Trang

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

BIA THẦN


Đến Thần Phù ngược dòng sông Hoạt còn có một di tích độc đáo khiến du khách không thể nào bỏ qua. Trên vách đá có một chữ Thần khắc nổi kích thước khá lớn, bề cao khoảng 2 mét, bề rộng độ 1,5 mét. Cách đây chừng hơn chục năm, mấy anh em chúng tôi đã tìm đến nhưng không có thuyền chỉ đứng bên kia sông Hoạt ngóng sang rồi về.
Chưa rõ các nghệ nhân đục đá lúc xưa làm sao mà trèo lên được. Vách đá thì cheo leo, dựng đứng, bắc thang buộc dây cũng vô cùng khó khăn. Nay trải qua bao dâu bể, phù sa bồi lấp nên đất phía dưới đã cao lên, chẳng còn thấy vết tích nào của biển khơi.
Có người cho rằng: khi còn là cửa biển, thủy triều đã dâng cao lên đến chỗ ấy. Người thợ đá đứng ở trên thuyền để làm việc. Khi nước rút thì tạm nghỉ, cứ như vậy không kể bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, có thể hàng năm trời. Xem ra giả thuyết này rất có lý. Nay thì chỗ Bia Thần kia đã cách biển đến 15 km theo đường chim bay.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì “chữ Thần khắc trên đá tương truyền là bút tích của vua Lê Thánh Tông”  (?).
Còn theo các tác giả Hồng Phi và Hương Nao nghiên cứu gần đây thì Bia Thần, được khắc vào tháng Hai năm Tân Mão (1771), trong dịp chúa Trịnh Sâm trở về Kinh đô Thăng Long bằng đường thuỷ, sau hơn nửa năm kinh lý trên xứ Thanh Hoa. Sáu chữ Hán nhỏ khắc chìm bên cạnh bia là “Nhật Nam nguyên chủ đặc sai” cho ta biết đây là bút hiệu của chúa Trịnh Sâm, thường đi kèm với các bài thơ khắc  đá của ông.
Cửa bể Thần Phù xưa kia là cửa ngõ quan trọng từ bắc vô nam theo đường sông. Các vua chúa Đại Việt đi chinh phạt Chiêm Thành đều phải qua đây thắp hương cầu khấn Sơn thần, Thủy quái phù hộ cho ba quân chiến thắng trở về. Xa xưa hơn nữa, từ thời nhà Hán, nhà Tống, nhà Nguyên đưa quân sang xâm lược nước ta đều đi vào cửa bể Thần Phù. Thời Đinh Tiên Hoàng có Ngô Nhật Khánh rước quân Chiêm theo đường thủy về định cướp ngôi vua, đến cửa Thần Phù bị bão đánh chìm, quan quân đều bị chết cả.
Mới có hơn 300 năm kể từ khi có Bia Thần mà bãi bể đã hóa nương dâu, dòng sông cạn hẹp đi nhiều lắm. Bâng khuâng hoài niệm trong bóng núi chiều tà, vẳng nghe câu ca cũ thoảng bay trong gió:
Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét