Sắp đến ngày Ông Táo về
trời (23 tháng Chạp), tôi lại nhớ lại một thời xa xưa tro trấu, bếp núc. Tôi
lớn lên đã nhìn thấy ba ông đầu rau nhà mình nghiêm trang ở góc bếp góp phần lo
việc cơm nước cho cả nhà. Ba ông được làm nên từ đất sét lấy ngoài bãi sông.
Khi xếp người ta cho ba ông chụm đầu vào nhau, nồi to nồi nhỏ cũng đều nâng đỡ
được cả. Lúc ấy đun nấu bằng rơm là chính, nhà nào chả có một đống rơm rạ to ở
góc sân.
Người ở quê tôi coi ba
Ông đầu rau là hiện vật linh thiêng nên cung kính gọi là “Ông Bếp”. Khi đun
nấu, bọn chúng tôi được người lớn dặn là cấm không được cầm que gõ vào Ông đầu
rau.
Sự tích ba Ông đầu rau
đã đi vào tiềm thức dân gian về một câu chuyện tình lãng mạn và bi thương. Tóm
tắt chuyện như thế này:
“Xưa có hai vợ chồng nhà
nọ rất nghèo túng, do vậy thường hay cãi vã nhau.
Một hôm người
chồng tức giận quá mà đánh vợ. Vợ bỏ nhà ra đi, sau này lấy một người chồng
khác.
Sau khi vợ bỏ đi người
chồng cũ hối hận, liền đi đến khắp nơi tìm kiếm, có khi hết cả tiền bạc phải đi
ăn xin. Một bữa, đến xin ăn nhà kia thì phát hiện ra bà chủ chính là vợ mình.
Hai người nhận ra nhau, tình xưa nghĩa cũ khó quên. Đang hàn huyên thì bất ngờ
anh chồng mới đi làm về. Người vợ bèn giấu tạm chồng cũ vào đống rơm.
Người chồng mới ngoài
đồng về tất bật đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Chồng cũ mệt nên ngủ say, bị
cháy. Vợ nhảy vào lửa cứu cũng bị chết. Người chồng mới nhìn thấy vợ bị thiêu xông
vào cứu nhưng cũng bị chết.
Ngọc Hoàng cảm kích và
cho họ hóa thân làm ba ông đầu rau”
Vậy là không phải ba ông
đầu rau mà chỉ có hai ông và một bà. Chẳng qua là thuận miệng nên cứ gọi vậy.
Thời cuộc biến cải, vật
đổi sao dời, ba ông đầu rau đã dần dần lùi vào dĩ vãng. Các ông bà đã hoàn
thành sứ mạng cao cả ngàn năm của mình với nhân loại, nay chỉ còn đọng lại
trong trí nhớ của những người lớn tuổi.
Bếp kiềng sắt đã được
thay thế các Cụ đầu rau, vừa gọn nhẹ vừa cơ động thuận tiện cho việc di chuyển.
Rừng bị tàn phá, củi mỗi ngày một hiếm hoi, nên cái bếp than tổ ong, bếp dầu đã
thịnh hành nơi phố xá chật hẹp.
Những năm gần đây bếp ga
đã trở thành phổ biến. Lúc đầu nó chỉ có ở thành phố, những gia đình khá giả.
Nay thì khắp các vùng thôn quê, hang cùng ngõ hẻm, chẳng mấy ai không biết cái
bếp ga.
Nhân dân ta có nghĩa, có
tình ghi nhớ công lao của vị Thần đã cai quản bếp lửa cho nhà mình vất vả cả
năm nên đặt ra lệ cúng Ông Táo.
Chuẩn bị đến ngày 23
tháng Chạp, dân quê tôi thường đi chợ mua một bộ ba cái mũ ông táo, 2 của ông
và 1 của bà về đặt lên bàn thờ.
(Có sự lầm lẫn khi nói
rằng ngày ấy là ông Công, ông Táo chầu trời. Kỳ thực ông Táo là ông thần chỉ
trông coi việc bếp núc, còn ông Công trông coi việc nhà cửa)
Ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Táo cưỡi cá
chép lên Thiên đình tâu với Ngọc Hoàng về các công việc của mình trong suốt một
năm ròng. Vì trông coi nhà bếp nên hình đại diện của ông là mặc áo quần màu
đen, đội mũ cánh chuồn đen và đi giầy đen.
Tuy vậy ông Táo thời mới
đã có diện mạo khác xưa nhiều lắm, áo quần sặc sỡ, da trắng bảnh bao. Ông không
chỉ tâu lên Ngọc Hoàng chuyện bếp núc, dưa cà mà còn mọi sự dưới trần gian. Đến nỗi bản cáo tấu trình của ông mà đụng đến những vấn đề “nhạy cảm”
thì coi chừng sẽ bị Nam Tào tuýt còi bắt viết lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét