Trang

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

NHÀ GIÁO ĐẶNG ANH


Tôi tình cờ quen biết ông khi ông đang dạy bồi dưỡng học sinh giỏi Văn cho trường THPT Lê Hồng Phong, Bỉm Sơn.
Tôi và ông có mấy cái cùng: đồng nghiệp, thích đọc sách và cùng họ Đặng.
Vào nhà ông, cái ấn tượng đầu tiên là rất nhiều sách, một tủ sách khổng lồ mà lại toàn sách quý hiếm, bây giờ nhiều cuốn không thấy tái bản nữa.
Ông đã ngót 80, học tiếng Pháp từ thời Tây, có trí nhớ tốt nên mặc dù ít được sử dụng nhưng ông vẫn nói được, đọc tốt. Hôm tôi đến nhà thấy ông đang xem Tài liệu "Địa chí Thanh Hóa" do người Pháp viết mà một người bạn đã nhờ ông hiệu đính bản dịch.
Ông dạy Văn, đọc nhiều sách về Văn học cổ. Hỏi về lĩnh vực đó thì mắt ông sáng lên và có thể nói hàng giờ liền không cần tra lại văn bản.
Khoảng hơn chục năm về trước ông biên khảo tài liệu về Đền Sòng và Liễu Hạnh công chúa. Ông có nhiều sách và tư liệu quý hiếm nên cuốn đó lại được tái bản lần thứ 2 vào năm 2007. Lần đó ông có nhờ tôi đánh máy bản thảo và đi chụp một số ảnh minh họa.
Một hôm tôi ghé qua chơi, thấy có hai người, trong đó có một cô gái mắt xanh, tóc vàng đang ngồi nói chuyện với ông. Khi cô ấy về tôi mới biết: để cho luận văn Tiến sỹ về Văn hóa phương Đông của mình được hoàn hảo, cô đã đến xin thêm tài liệu về Đền Sòng.
Cả hai lần in cuốn sách Đền Sòng tôi đều đi với ông vào TP Thanh Hóa để làm các thủ tục hành chính, ký hợp đồng về số lượng và thống nhất các phương án phát hành.
Nói chung, người ngoài cứ tưởng viết sách được nhiều tiền lắm. Có ở trong cuộc thì mới biết đoạn trường. Cuốn sách độ 10 ngàn đồng thì người viết giỏi lắm được 3 ngàn. Vì thế có in 1000 cuốn thì cũng chỉ kiếm được 3 triệu bạc. Còn lại Nhà Xuất bản, Nhà in, Nhà phát hành.
Các tòa báo hay đến đặt ông viết báo. Thôi thì túc tắc viết cho đỡ buồn. Nhưng lắm khi cũng bực vì bọn thư ký, đánh máy có khi không hiểu văn bản đã làm sai lạc cả nội dung.
Ông còn làm thơ, tham gia biên tập cho Câu lạc bộ thơ Đường xứ Bỉm và giao lưu với các bạn thơ trong vùng.
Ngoài việc dạy học, đọc sách, viết văn ông chả biết làm một cái gì khác, Ông không đi chợ bao giờ vì không biết trả giá thế nào cho phải, một tý cái sân bếp bị tróc ông cũng bảo đi gọi thợ, đóng cái đinh lên tường đối với ông cũng là một việc khó. Ông không khác gì một cậu ấm con quan thời xưa vậy. Thôi thì trời cho ông thạo cái việc đọc sách, viết báo thì lại lấy đi các kỹ năng khác.
Bây giờ ông bà sống tùng tiệm ở một con hẻm nhỏ gần Quốc lộ 1A. Tuổi già nên thỉnh thoảng lại phải gọi điện mời thầy thuốc. Nhưng hễ cứ khỏe là lại thấy ông đang đọc sách. Có lẽ cũng là một cách để dưỡng sinh chăng.

Ông đang giảng nghĩa bài thơ của vua Thiệu Trị đề ở đèo Ba Dội năm 1842
        (Người đứng giữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét