Trang

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

NON NƯỚC

Chúng tôi ghé qua Trung tâm Chế tác đá Non nước (Đà Nẵng). Nơi đây bày bạt ngàn tượng đá đủ các loại từ tượng Phật, tượng Chúa, đến tượng 12 con giáp, tượng Chăm mô phỏng…
Nghề chế tác đá là một nghề truyền thống lâu đời ở địa phương này. Tương truyền nó được những người dân đi theo chúa Nguyễn Hoàng mang từ Thanh Hóa vào. Lâu dần, các thế hệ nối tiếp nhau, nghề đẽo đá phát triển và ngày càng tinh xảo, độc đáo.
Trước đây bà con làm đá bằng các công cụ thô sơ nên mất rất nhiều công sức. Nay nhờ có công nghệ hiện đại mà các loại máy cắt, gọt, bào, dũa, xoa, đánh bóng… đã giúp giảm nhẹ nhiều cho sức lực con người.
Dẫu cho rằng vậy, tôi vẫn thầm bái phục các nghệ nhân tạc tượng nơi đây  đã dày công sáng tạo cho ra đời những pho tượng tràn đầy sinh khí.
Ngắm nhìn các pho tượng ở các tư thế khác nhau bất giác nhớ lại mấy câu thơ của Huy Cận trong bài “Các vị La Hán chùa Tây Phương”:
…………….
“Có vị mắt giương, mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát, tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi….  
……………..
Thời gian không có nhiều nên ai trong đoàn chúng tôi cũng tranh thủ mua một món đồ về làm kỷ niệm: Người thì Vòng đá, tượng Phật, người thì ngựa đá, voi đá… Giá cả xem ra cũng vừa phải, một con ngựa 20 cm giá khoảng 100-120 ngàn.


Tôi cứ lấn cấn trong đầu một câu hỏi: Tại sao vùng đất miền Trung nắng nóng và gió Lào đến thế lại phát triển loại hình nghệ thuật điêu khắc? Ví như Huế, Đà Nẵng, Bình Định… Phải chăng dân tộc Chăm của Chiêm Thành xưa với hàng ngàn vạn công trình điêu khắc trên các đền đài tháp cổ đã hun đúc nên những nghệ nhân cần mẫn sáng tạo hôm nay.
Hôm sau tôi còn đi thăm vườn tượng ven sông Hàn. Tuy còn đơn điệu, sơ lược nhưng ngần ấy cũng đủ để cho du khách phương xa lưu luyến, cảm mến một Đà Nẵng yên bình, thơ mộng và tài hoa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét