Trang

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

HỘI AN

Chúng tôi đến Hội An vào buổi chiều, sau một hành trình dài mỏi mệt. Ngồi trên xe có vài người đã bảo: “Chả có gì, tôi đã nghe nói rồi, mấy cái nhà cấp 4, xem một lúc là hết”.
Khác với suy đoán của chúng tôi, khách đến Hội An khá đông, rất nhiều người nước ngoài, từ các nước Âu, Mỹ. Họ vào xem và quan sát khá kỹ, lưu lại phố cổ, bơi thuyền, đi chợ cá, uống cà-phê, ăn cao-lầu, chụp ảnh, ngắm cảnh và trải nghiệm cuộc sống thường nhật ở đây. Có chỗ cho du khách gánh hàng chụp ảnh, có chỗ cho du khách xuống ruộng đi cấy.
Mấy dãy phố cổ không dài lắm, chỉ ước khoảng hơn cây số. Một số tuyến không cho xe máy vào. Thong thả dạo bước trên con đường dọc sông Thu Bồn với những mái nhà rêu phong, xưa cũ để cố hình dung lại một thương cảng sầm uất của Đàng Trong dưới thời Chúa Nguyễn.
Những ngôi nhà cổ thâm thấp 1 tầng, 2 tầng, mái lợp ngói âm dương truyền thống, tạo nên một không gian kiến trúc hết sức cổ kính của một đô thị xưa. Dấu tích của việc buôn bán, giao thương với nước ngoài còn đó với các di tích Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Triều Châu, miếu Quan Công…
Chùa Cầu đông nghẹt người đang nghe thuyết minh về lịch sử cây cầu, về những thăng trầm của một vùng đất. Cây cầu độc đáo này, trên là chùa, dưới là cầu do những thương gia Nhật-Bản xây dựng khoảng đầu thế kỷ 17. Mái cong cong mềm mại của cầu được nâng đỡ bởi một hệ thống kết cấu gỗ và trụ đá. Mặt cầu vòng lên, lát ván bên trên, hai bên có bệ gỗ và lan can. Chính giữa cầu là gian chùa nhỏ treo bức hoành phi có ba chữ "Lai Viễn Kiều” (Cầu của khách phương xa). Hình ảnh Chùa Cầu được xem như một biểu tượng du lịch của TP Hội An. Ở một khía cạnh khác nó là chiếc cầu của tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt-Nhật

Qua khu phố cổ chúng tôi còn thấy bày bán điêu khắc trên gốc tre, đó là hình tượng những mặt người cười rất có hồn, rất nghệ thuật. Góc hè kia có mấy thợ truyền thần tốc ký đang tranh thủ phác thảo chân dung cho khách.
Bên lối đi ven sông có một bác đang tranh thủ cuộn kèn loe, châu chấu, chong chóng… bằng lá dừa. Một vài hàng bán con tu huýt bằng đất nung. Tôi có cảm giác rằng thời kỳ đồ chơi Tàu tràn ngập trên thị trường thì mấy thứ làm thủ công kia không còn bao nhiêu hấp dẫn, và có lẽ rồi đây nó sẽ lụi tàn dần.

Từ Đà Nẵng đi khoảng 30 km thì đến Hội An. Đường sá tốt, rộng rãi, phong cảnh đẹp. Nhưng khi chỉ còn cách Hội An khoảng vài ba cây số thì đường hẹp đi nhiều. Hỏi dân ở đây, họ cho biết: Vì là Di sản Văn hóa Thế giới nên còn phải cân nhắc để làm theo quy hoạch. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét