Phàm đã chuẩn bị làm đám cưới là thế nào cũng phải
coi ngày. Không những coi ngày mà còn coi giờ. Không những coi giờ đi, mà còn
coi giờ đến. Nào là "đi hơn về kém", nào là "Tý Hợi Mão Dậu là
tứ hành xung". Rồi thì là cái tuổi "Kim lâu", cái sao “Thái bạch”…
nhiêu khê lắm.
Nhiều gia đình còn cẩn thận coi 2, 3 thầy. Chưa tin
tưởng còn đến các thấy tiếng tăm, có thương hiệu để thẩm tra lại.
Có đám đi rước dâu đến hơi sớm nhà gái không cho vào
đành phải vạ vật ngoài cổng. Phía bên kia nhà gái, bên này nhà trai cứ đứng
gườm gườm nhau, giáp lá cà như chuẩn bị vào trận đánh lớn.
Đọc báo thấy bảo điều tra xã hội học ở ta tỷ lệ ly
hôn lên đến 18%. Bỗng thắc mắc hay là 18% số nhà đó không chịu đi coi thầy mà
rồi vợ chồng phải tan đàn xẻ nghé. Mà thầy thời nay nào có thiếu gì, chỉ cần rỉ
tai là có khối chỗ.
Hôm đến một cái đám cưới con anh
bạn, chủ nhà đang méo mặt vì rạp không đủ, thợ ảnh không có, đến thợ Em-xi cũng
bảo chỉ đến trước khi cưới có 5 phút. Nghe bảo rằng hôm ấy ngày tốt, nhiều đám
quá nên "cháy rạp".
Một ông tính hay tếu táo bảo:
"Sao mấy thằng cho thuê rạp và tổ chức đám cưới không hợp đồng với mấy ông
thầy coi bói mà phân tán số ngày tốt ra nhỉ"
Một ông tóc bạc theo trường phái
vô thần thì nói huỵch toẹt: "Vớ vẩn tất. Ngày xưa tao cưới xin chả có coi
ngày, coi giờ gì cả thế mà có sao đâu, con cháu hàng đàn. Bây giờ ông bà xem ra
vẫn còn mặn mà hơn khối nhà".
Mấy bác còn bán tín bán nghi thì
bảo: "Thôi, có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Thiên hạ sao mình vậy".
Trộm nghĩ: người Nhật, người Tây tính theo Dương lịch thì họ coi ngày gì
nhỉ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét