Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

CHUYỆN MỜI MỌC

Hôm kia, gặp một ông bạn, ông ấy núm lấy tôi với một vẻ mặt vô cùng ấm ức và bức xúc:
- Này, ông X. cưới con có mời ông không?. Tôi bảo Có. Ông ấy liền một thôi một hồi, ngùn ngụt sự bực dọc:
- Thế là lão ta quên tôi thật rồi! Tại sao lại thế cơ chứ! Ngày xưa có thời kỳ mấy năm tôi với lão dạy cùng trường ở miền núi, bạn bè thân thiết lắm…. Về đây thỉnh thoảng anh em vẫn gặp nhau. Thế mà….
Tôi vội kiếm câu an ủi ông bạn:
- Thôi lão không mời thì ông càng khỏi phải đi chứ sao. Cũng phải thông cảm cho người ta, có thể khách quá đông, nhà chật hẹp, người ta cũng phải cân nhắc. Mà ông ta có trót quên thì cũng thôi, đừng để bụng làm gì nữa.
Ông bạn tôi vẫn chưa nguôi ngoai cơn bực còn đang dở dang:
- Với chúng ta bây giờ gặp nhau vui vẻ là chính thôi chứ ăn uống quan trọng gì đâu. Nhà tôi nào có thiếu thốn gì. Tôi bực là bực tại sao lão lại quên tôi…
Chẳng thể làm cách nào để hạ hỏa ông bạn đang sôi sục, tôi bèn chuyển đề tài khác.
Trên đường đi vẫn thầm nghĩ, cái sự ứng xử ở đời sao mà khó quá. Có lẽ các cụ xưa đã đúc kết thành chân lý vận dụng cho muôn đời: “Ma chê, cưới trách”. Cứ bảo ăn uống không quan trọng nhưng đi dự tiệc cưới về thể nào cũng bàn luận nhà này cỗ dở, nem chua chả ra cái gì, món đà điểu dai ngoách… Rồi thì cỗ nhà ấy tạm được đấy nhưng hơi ít, chẳng còn mấy đồ thừa…
Năm ngoái đi Hà Nội dự một cái đám cưới thật là đình đám. Tổng số thực khách 1500, thuê khách sạn lớn, cực kỳ sang trọng. Chỉ nguyên một việc chủ nhà bắt tay chào khách cũng đã đủ mệt mỏi lắm rồi. Ấy vậy nhưng vẫn cứ có người trách:
- Tất tưởi từ mờ sáng bắt xe ở quê ra, nhốn nha nhốn nháo, chúng nó chẳng biết mình là ai. Món ăn thì chỉ được cái hình thức. Trông cho chóng xong để ra xe còn về. Đi đám cưới mà như đi đánh giặc.
Thế đấy. Không mời thì bị trách. Mời nhiều thì bảo rằng: Sao mà lắm đám đình thế, tiền  lương tháng này không đủ đi đám.
Có lần hỏi một em đã nhiều năm ở nước ngoài: Bên ấy người ta tổ chức cưới xin ra sao? Thì mới biết nó đơn giản hơn ta nhiều. Mời anh em bạn bè thân cận (nói chung là ít), ra quán làm một bữa hát hò nhảy nhót, thế là xong. Trong làng có đám cưới nhưng láng giềng nhiều nhà cũng chẳng biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét