Từ Bỉm Sơn về Nga Sơn qua cầu Đa Nam
khoảng nửa cây số là đến làng tôi. Làng Tứ Thôn xưa gồm 4 thôn nhỏ có những cái
tên nghe rất văn chương: Phú Quý, Ngọc Khê, Đại Thọ và Phúc tinh. Từ thời có
Hợp tác xã người ta ghép lại còn 2 làng là xóm 8 và xóm 9, nghe khô cứng chẳng có gì gợi
cảm.
Đi nhiều nơi nhưng tôi vẫn thấy cây đa làng mình có một dáng vẻ kỳ vĩ
riêng. Từ thời cụ nội tôi còn sống, cụ bảo lớn lên đã trông thấy cây đa làng
lừng lững như vậy rồi. Tôi đồ rằng chí ít nó cũng phải tầm 300 tuổi.
Lúc còn bé, vào những đêm trăng chúng tôi thường chơi trốn tìm quanh gốc
đa và chui luồn qua những cái rễ phụ cắm xuống đất như những cây cột đình.
Quanh gốc đa rễ trồi lên uốn lượn tựa hồ những con trăn khổng lồ. Một cái rễ
cắm thẳng xuống ao, bọn trẻ con thường tắm và trèo lên cây đa từ cái rễ ấy.
Những cành đa, sù sì, gân guốc hùng dũng vươn lên giữa trời xanh. Có một cành
gần như nằm ngang về phía ao đình, những đứa trẻ nghịch ngợm còn đi trên đó.
Quả đa ăn chả ra gì, nó chua chua, chát chát nhưng lũ trẻ vẫn cứ thích trèo lên
hái quả, rồi đu người xuống những chùm rễ phụ.
Thời gian dần trôi, làng trở nên chật chội. Cái ao đình trước làng to
rộng là thế được đem đấu thầu nuôi cá và bán làm đất ở. Không ai muốn cho cái
rễ phụ của đa cắm vào mảnh đất nhà mình. Sân kho hợp tác xã mở rộng ra thì phần
đất sống của đa cũng dần dần thu hẹp lại. Sân lát gạch, bê tông hóa, rễ phụ
giảm bớt, cái rễ cắm xuống ao cũng biến mất. Đa xơ xác, khô héo, có những cành
gẫy mục, nhiều lúc tưởng không qua được cơn bạo bệnh.
Cũng may, dần dà dân làng cũng đã có người tỉnh ngộ. Người ta bồi đất
cho gốc đa. Rễ phụ được rào dậu, chăm chút, nuôi nấng cẩn thận. Khoảng mươi năm
trở lại đây cây đa bắt đầu hồi sinh.
Từ xa nhìn về làng, tán đa vượt cao hẳn lên ngạo nghễ, như là một biểu
tượng của làng, hàng thế kỷ nay đứng đó trầm mặc, uy nghi. Cây đa như mảnh hồn
làng, từng chứng kiến biết bao những thăng trầm của lịch sử, bất chấp bão
giông, bất chấp những biến động của cuộc đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét