Trang

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

BẢO TÀNG CHĂM

Tôi đã đến Bảo tàng Chăm vào năm 1981. Bấy giờ chưa có khái niệm gì nhiều, xem thì cũng thấy hay, biết vậy nhưng đầu óc không mấy để ý. Sau này coi trên ti-vi, đọc trong sách báo mới dần dà rõ thêm về một nền văn hóa cổ đặc sắc đã từng có một thời hưng thịnh.
Bề ngoài Bảo tàng có kiểu Kiến trúc rất đặc trưng của dân tộc Chăm, được xây từ thời Pháp. Hiện nay Bảo tàng đã được mở rộng với quy mô hàng mấy ngàn mét vuông, mở cửa đón khách suốt cả tuần.
Vào bên trong, các phòng trưng bày hiện vật được sắp xếp theo thời kỳ, theo vùng, chủ yếu từ Quảng Bình đến các tình Bình Thuận, Ninh Thuận. Tôi thực sự kinh ngạc về tuổi của những pho tượng đá. Có tượng làm khoảng thế kỷ 6-7, có tượng làm khoảng thế kỷ 11, 12. Có tượng khắc cách điệu, có tượng gọt dũa tinh vi nhưng tất cả đều rất sống động và có hồn. Những tượng đá kích thước khá lớn được tạo nên từ những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, những bộ óc giàu trí tưởng tượng, sáng tạo đã tồn tại hàng ngàn năm mưa nắng.

Nhiều du khách ngoại quốc đã đến đây. Hẳn nhiên họ cũng sẽ vô cùng thích thú và thán phục tài nghệ của người xưa. Thấy họ chăm chú xem và ghi chép, trao đổi với nhau cái gì đó… Đọc trên bảng giới thiệu mới biết người Pháp đã rất có ý thức bảo tồn cổ vật Chăm. Từ năm 1902 họ đã cho lập Bảo tàng và cho khai quật khảo cổ. Tiếc rằng chiến tranh cũng đã hủy hoại đi ít nhiều…
Tôi vẫn vấn vương hoài cổ rằng làm sao một nền văn hóa rực rỡ như vậy đã lụi tàn mà mãi đến sau này còn có rất nhiều điều chưa giải mã được. Một đoạn thơ trong tập “Điêu tàn” của Chế Lan Viên từng cảm thương day dứt:
……………….
Đây, những Tháp gầy mòn vì mong đợi
Những đền xưa đổ nát dưới Thời gian
Những sông vắng lê mình trong bóng tối
Những tượng Chàm lở lói, rỉ rên than

Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn
Muôn Ma Hời sờ soạng dắt nhau đi
Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn
Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ qui

Đây, chiến địa nơi đôi bên giao trận
Bao cô hồn tử sĩ hét gầm vang
Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm oán hận
Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn
………………
Có lẽ nhà thơ đã lấy cảm hứng từ các di vật cổ, từ các đền đài đổ nát để viết nên những dòng thơ ứa lệ này. 

Đọc tiếp »

NON NƯỚC

Chúng tôi ghé qua Trung tâm Chế tác đá Non nước (Đà Nẵng). Nơi đây bày bạt ngàn tượng đá đủ các loại từ tượng Phật, tượng Chúa, đến tượng 12 con giáp, tượng Chăm mô phỏng…
Nghề chế tác đá là một nghề truyền thống lâu đời ở địa phương này. Tương truyền nó được những người dân đi theo chúa Nguyễn Hoàng mang từ Thanh Hóa vào. Lâu dần, các thế hệ nối tiếp nhau, nghề đẽo đá phát triển và ngày càng tinh xảo, độc đáo.
Trước đây bà con làm đá bằng các công cụ thô sơ nên mất rất nhiều công sức. Nay nhờ có công nghệ hiện đại mà các loại máy cắt, gọt, bào, dũa, xoa, đánh bóng… đã giúp giảm nhẹ nhiều cho sức lực con người.
Dẫu cho rằng vậy, tôi vẫn thầm bái phục các nghệ nhân tạc tượng nơi đây  đã dày công sáng tạo cho ra đời những pho tượng tràn đầy sinh khí.
Ngắm nhìn các pho tượng ở các tư thế khác nhau bất giác nhớ lại mấy câu thơ của Huy Cận trong bài “Các vị La Hán chùa Tây Phương”:
…………….
“Có vị mắt giương, mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát, tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi….  
……………..
Thời gian không có nhiều nên ai trong đoàn chúng tôi cũng tranh thủ mua một món đồ về làm kỷ niệm: Người thì Vòng đá, tượng Phật, người thì ngựa đá, voi đá… Giá cả xem ra cũng vừa phải, một con ngựa 20 cm giá khoảng 100-120 ngàn.


Tôi cứ lấn cấn trong đầu một câu hỏi: Tại sao vùng đất miền Trung nắng nóng và gió Lào đến thế lại phát triển loại hình nghệ thuật điêu khắc? Ví như Huế, Đà Nẵng, Bình Định… Phải chăng dân tộc Chăm của Chiêm Thành xưa với hàng ngàn vạn công trình điêu khắc trên các đền đài tháp cổ đã hun đúc nên những nghệ nhân cần mẫn sáng tạo hôm nay.
Hôm sau tôi còn đi thăm vườn tượng ven sông Hàn. Tuy còn đơn điệu, sơ lược nhưng ngần ấy cũng đủ để cho du khách phương xa lưu luyến, cảm mến một Đà Nẵng yên bình, thơ mộng và tài hoa.

Đọc tiếp »

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

CẦU RỒNG

Ở Đà Nẵng có một cây cầu khá độc đáo do một công ty nổi tiếng của Hoa Kỳ thiết kế. Cầu có dáng dấp một con rồng đang quay đầu ra phía biển. Hệ thống đèn chiếu sáng được điều khiển sao cho thân hình rồng khi thì vàng, khi thì xanh, lúc ẩn, lúc hiện.
Hôm ở Đà Nẵng đúng vào ngày thứ Bảy, chúng tôi đi xem Rồng phun lửa.
Khoảng 8 giờ, hai bên đầu cầu đã có Tổ công tác ngăn đường không cho người và xe cộ lưu thông. Phía nam cầu, ven sông Hàn, người đứng ngồi chật kín. Du khách các nơi đang lưu trú tại đây, dân địa phương hiếu kỳ, dân bán hàng vặt tranh thủ kiếm thêm chút thu nhập…. Mấy tay chơi ảnh mang máy có ống kính tê-lê dài ngoằng, chân máy cố định mai phục để chờ thời khắc bấm máy. Máy Kỹ thuật số, máy điện thoại, iPhone, iPad đều ở tư thế sẵn sàng tác nghiệp.
Khoảng 8h45’, mắt Rồng đã sáng lên báo hiệu sắp đến giờ phun lửa. Có lẽ các nhân viên kỹ thuật đang lên trên ấy kiểm tra lần cuối. Lúc này, nhìn đằng trước, đằng sau người người đã dày đặc, muốn ra về vào lúc đó là một việc vô cùng khó khăn.

Đúng 9 giờ, điện trên thân rồng hơi tối đi, bỗng một tia lửa phụt ra ở miệng rồng. Ít giây sau lại phụt ra mạnh hơn, mạnh hơn nữa cuộn lại như một quả cầu lửa sáng rực bầu trời đêm.
Hết phun lửa nó chuyển sang phun nước. Những tia nước cực mạnh phun ra cộng với áp suất của hơi nghe phù phù. Nó đã làm cho một vùng đầu cầu mịt mù như sương khói. 
Toàn bộ thời gian phun lửa, phun nước của Rồng khoảng độ 15 phút nhưng chúng tôi phải đợi đến vài chục phút để cho dòng người vợi bớt mới ra về được. Vòng lên mặt cầu, nơi đầu rồng xem lại thực địa chỗ nó vừa phun lửa. Cảnh vật như vừa qua một trận mưa, nước vẫn còn đọng lênh láng.
Kể ra cũng là một sự sáng tạo, vừa làm cầu giao thông nhưng cũng vừa để giải trí, một kiểu tạo ấn tượng cho du khách khi ghé thăm Đà Nẵng.
Nhưng giá như các nhà tổ chức nhân sự kiện này có thêm hệ thống phát thanh giới thiệu về cây cầu trước khi phun lửa. Trong lúc phun lửa lại kèm thêm âm thanh hoặc bản nhạc phụ họa thì hiệu ứng sẽ cao hơn rất nhiều. Thời buổi công nghệ này điều đó là trong tầm tay.

Đọc tiếp »

CẦU ĐÀ NẴNG

Đà Nẵng, thành phố có rất nhiều những cây cầu. Trước đây sang bên kia sông chủ yếu đi bằng phà. Đứng ở đường Bạch Đằng trông xuống phía nam chỉ thấy xa xa mịt mù sông nước, bùn lầy, tăm tối và ẩm thấp.
Từ khi xuất hiện các cây cầu, mảnh đất bên kia sông Hàn đã như một nàng công chúa ngủ quên bừng tỉnh giấc. Những khu Resort nghỉ dưỡng tuyệt đẹp bên bờ biển trên bán đảo Sơn Trà. Bãi tắm Mỹ Khê cát trắng trải dài, nước trong và bầu trời xanh lộng gió. Vòng sang phía nam Sơn Trà là chùa Linh Ứng phục vụ cho du lịch tâm linh. Đất đai ở đây có thời điểm vù vù tăng giá, chẳng kém gì trong nội đô. Nhiều khu biệt thự, khu chung cư xinh đẹp, sang trọng đã mọc lên.
Năm 1965, Mỹ bắc một cây cầu đầu tiên bằng ống thép cũng khá hiện đại thời bấy giờ. Nay so với các cây cầu mới xây thì nó chỉ nhỏ nhoi như một chú bé con đứng bên anh chàng thanh niên lực lưỡng. Chính quyền TP Đà Nẵng đã quyết định không gỡ bỏ mà sử dụng nó làm cầu đi bộ và được bảo quản như một thứ đồ cổ cho du khách tham quan.
Sau năm 2000, Đà Nẵng khởi công làm hàng loạt cây cầu hiện đại nối đôi bờ sông Hàn. Tính đến nay đã có đến hơn chục chiếc trải dài trên khoảng cách chưa đầy 20 km. Cầu nào cũng to đẹp, vững chãi và bề thế.
Vì nhiều nên tôi chẳng nhớ hết tên từng cái. Đại thể chỉ nhớ được mấy cái có ấn tượng nhất.

Khách đến Đà Nẵng thường đi thăm cầu Quay. Sở dỹ phải cho quay vì sâu vào bên trong có nhà máy đóng tàu Sông Thu, phải mở lối để cho tàu thủy vào ra. Ban ngày cầu cho lưu thông khách bộ hành nhưng khoảng nửa đêm thì nó quay chiếc dầm ở giữa đi một góc 90 độ. Cầu Quay được trang hoàng hệ thống đèn nháy rực rỡ nhiều màu nhảy múa. Buổi tối chụp ảnh rất đẹp. Nay thì nhà máy đóng tàu đã di chuyển, nó không phải quay nữa nhưng tên cầu Quay vẫn còn
Cầu Thuận Phước là cây cầu dây võng dài nhất ở Việt Nam. Buổi sang đi bộ lên đỉnh cầu có thể bao quát cả một vùng rộng lớn của thành phố, phía đông kia là cảng Tiên Sa, phía thượng lưu là rất nhiều các cây cầu người xe qua lại tấp nập. Đứng ở đây nhìn thấy rất rõ Toà nhà hành chính Đà Nẵng với hình thù lạ mắt chưa từng thấy nơi đâu. Về ban đêm ánh điện trên cầu lung linh, trông xa như một chỗi ngọc lấp lánh. Tuy nhiên tải trọng của cầu thấp nên giá trị kinh tế của nó cũng chỉ có hạn.
Cây cầu độc đáo nhất có lẽ là cầu Rồng. Cấu trúc của cầu tạo dáng một con rồng đang quay đầu ra phía biển. Hệ thống đèn chiếu sáng được điều khiển cho thân hình rồng lúc vàng, lúc xanh, lúc ẩn, lúc hiện. Vào thứ 7, Chủ nhật, những dịp lễ lớn người ta cho nó phun lửa.  
Nói chung, dân Đà Nẵng rất tự hào về thành phố của mình, đặc biệt là các cây cầu ít nơi có được. Nếu ngồi xe Taxi dạo một vòng sẽ nghe cánh lái xe thuyết trình vanh vách lịch sử từng cây cầu dài rộng bao nhiêu, khánh thành ngày nào…
Đáng khâm phục Đà Nẵng về một môi trường sống trong sạch, ý thức dân chúng cao, quy hoạch thành phố hợp lý không có chuyện đào lên lấp xuống tùy tiện.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã sớm có tầm nhìn xa và cho xây những cây cầu tạo đà cho sự phát triển kinh tế xã hội.

Đọc tiếp »

HỘI AN

Chúng tôi đến Hội An vào buổi chiều, sau một hành trình dài mỏi mệt. Ngồi trên xe có vài người đã bảo: “Chả có gì, tôi đã nghe nói rồi, mấy cái nhà cấp 4, xem một lúc là hết”.
Khác với suy đoán của chúng tôi, khách đến Hội An khá đông, rất nhiều người nước ngoài, từ các nước Âu, Mỹ. Họ vào xem và quan sát khá kỹ, lưu lại phố cổ, bơi thuyền, đi chợ cá, uống cà-phê, ăn cao-lầu, chụp ảnh, ngắm cảnh và trải nghiệm cuộc sống thường nhật ở đây. Có chỗ cho du khách gánh hàng chụp ảnh, có chỗ cho du khách xuống ruộng đi cấy.
Mấy dãy phố cổ không dài lắm, chỉ ước khoảng hơn cây số. Một số tuyến không cho xe máy vào. Thong thả dạo bước trên con đường dọc sông Thu Bồn với những mái nhà rêu phong, xưa cũ để cố hình dung lại một thương cảng sầm uất của Đàng Trong dưới thời Chúa Nguyễn.
Những ngôi nhà cổ thâm thấp 1 tầng, 2 tầng, mái lợp ngói âm dương truyền thống, tạo nên một không gian kiến trúc hết sức cổ kính của một đô thị xưa. Dấu tích của việc buôn bán, giao thương với nước ngoài còn đó với các di tích Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Triều Châu, miếu Quan Công…
Chùa Cầu đông nghẹt người đang nghe thuyết minh về lịch sử cây cầu, về những thăng trầm của một vùng đất. Cây cầu độc đáo này, trên là chùa, dưới là cầu do những thương gia Nhật-Bản xây dựng khoảng đầu thế kỷ 17. Mái cong cong mềm mại của cầu được nâng đỡ bởi một hệ thống kết cấu gỗ và trụ đá. Mặt cầu vòng lên, lát ván bên trên, hai bên có bệ gỗ và lan can. Chính giữa cầu là gian chùa nhỏ treo bức hoành phi có ba chữ "Lai Viễn Kiều” (Cầu của khách phương xa). Hình ảnh Chùa Cầu được xem như một biểu tượng du lịch của TP Hội An. Ở một khía cạnh khác nó là chiếc cầu của tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt-Nhật

Qua khu phố cổ chúng tôi còn thấy bày bán điêu khắc trên gốc tre, đó là hình tượng những mặt người cười rất có hồn, rất nghệ thuật. Góc hè kia có mấy thợ truyền thần tốc ký đang tranh thủ phác thảo chân dung cho khách.
Bên lối đi ven sông có một bác đang tranh thủ cuộn kèn loe, châu chấu, chong chóng… bằng lá dừa. Một vài hàng bán con tu huýt bằng đất nung. Tôi có cảm giác rằng thời kỳ đồ chơi Tàu tràn ngập trên thị trường thì mấy thứ làm thủ công kia không còn bao nhiêu hấp dẫn, và có lẽ rồi đây nó sẽ lụi tàn dần.

Từ Đà Nẵng đi khoảng 30 km thì đến Hội An. Đường sá tốt, rộng rãi, phong cảnh đẹp. Nhưng khi chỉ còn cách Hội An khoảng vài ba cây số thì đường hẹp đi nhiều. Hỏi dân ở đây, họ cho biết: Vì là Di sản Văn hóa Thế giới nên còn phải cân nhắc để làm theo quy hoạch. 

Đọc tiếp »

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

CUA


1/ ĐI MÓC CUA
Hồi bé chúng tôi thường hay xách giỏ đi móc cua. Sở dĩ phải móc, vì cua luôn ở trong hang ven bờ ruộng. Chúng làm hang cũng khéo, ngoài cửa lấy bùn chặn chỉ để hở một lỗ nhỏ. Bọn trẻ đi men bờ nhìn thấy dấu vết của bùn mơi mới, lập tức phong tỏa cái hang ấy. Cho tay vào, moi đất ra, hì hục thụt thụt, thò thò một lúc thì cũng tóm được chú cua đang nấp bên trong. Có chú ma lanh hơn đã làm thêm một ngách thoát hiểm để có biến là chuồn. Vì thế những tay móc cua lành nghề đã phán đoán đúng ý đồ, thọc tay vào ngách này nhưng luôn để ý đầu ngách kia, cuối cùng cua ta cũng đành phải ngoan ngoãn nộp mạng.
Lũ cua cũng ngang ra phết, dân ta vẫn nói: “Ngang như cua”. Chúng dùng đôi càng sắc nhọn trời cho của mình để tự vệ. Vì thế sau mỗi buổi đi móc cua về các đầu ngón tay thường bị cua cắp cho lăm nhăm những vệt ngang dọc.  
2/ CUA ĐI TRUNG QUỐC
Có một dạo ở quê tôi, đi xuống các chợ biển như chợ Sung, chợ Si  không nhìn thấy bóng dáng một con cua bể. Những con cua bể to như bàn tay trước đây khá nhiều, được trói bằng dây cói bày lên mẹt bán cả dãy. Bà con cho biết cua bể bây giờ có giá ghê gớm lắm và chúng đã lên đường đi sang Trung Quốc cả rồi. Lúc bấy giờ không ai hiểu họ mua để làm gì mà đắt kinh khủng khiếp đến thế. Mãi sau mới biết hàng xe công-ten-nơ chở cua bị dồn ứ ở các cửa khẩu phía bắc đến độ chết thối phải tiêu hủy.
Sau mới rõ ra cái mẹo của cánh thương lái Tàu lừa mấy tay thương lái Việt và cuối cùng người thiệt hại cay đắng chính là đông đảo nhân dân ta. Chả khác chi mấy cái vụ “hụi”, “họ” bị vỡ dạo nào, dân tình xao xác trong khi mấy thằng chủ hụi đang cười thầm ở tít phương trời xa.
3/ ĐẺ RA SƯ
Có một bà đang bụng mang dạ chửa, đi chợ mua cua. Chẳng may khi về đánh đổ cua ra đường, liền ngồi xụp xuống để nhặt. Mặc váy nên lòa xòa, bị một con cua cắp phải chính ngay chỗ ấy, đau kêu trời kêu đất.
Một ông sư, đi ngang qua, thấy có tiếng kêu, vội chạy lại để cứu. Nhưng mà sợ uế tạp, không dám mó tay, mới ghé răng vào, để gỡ con cua ra. Ai ngờ con cua còn một càng nữa cắp luôn vào môi ông sư.
Hai người cứ lúng ta lúng túng. Ông sư thì không dám lấy tay gỡ, đành chịu đứng lom khom ở đấy. Bà kia thì cứ nhăn nhó kêu đau.
Thằng bé con bà ấy ở trong làng chạy ra, trông thấy thế thì vỗ tay, reo ầm lên:
- A ha! Bay ơi! Lại mà coi. Mẹ tao đẻ ra sư!
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

PHẬN ỐC

1/ Ốc bươu vàng
Khoảng đầu những năm 90 báo chí, các phương tiện truyền thông ra sức quảng bá cho các nhà sản xuất giống Ốc bươu vàng lúc ấy mới xuất hiện ở nước ta. Nào là: “Đi lên từ Ốc bươu vàng” hoặc “Đại gia Ốc bươu vàng”… Nghe nói vậy bà con vùng quê nghèo nhà tôi sướng rơn, giàu có, đổi đời đến nơi rồi. Chỉ có vài đôi giống mà nó sinh sôi nẩy nở ra ngàn vạn con, ăn không xuể.
Chú em nhà hàng xóm công tác ở trên Tỉnh, tranh thủ Chủ nhật nghỉ mang về nhà mấy đôi ốc giống nghe nói mua đâu hai chục ngàn. Đầu tiên phải nâng niu nuôi trong thau chậu, cho nó ăn, để vào chỗ mát cho nó đẻ trứng. Mọi người hân hoan đón nhận những chùm trứng màu hồng hồng, xinh xinh mang ra ao nhân giống.
Niềm hân hoan ấy chưa kịp lâu thì tai họa ập xuống như đã thấy. Ốc bươu vàng tràn ngập khắp nơi, tàn phá hoa màu, diệt không kịp.
2/ Cái tù và
Ở các vùng nông thôn ta trước đây đôi lúc có tiếng Tù và. Trong đêm tối mà nghe tiếng Tù và rúc liên hồi thì thổn thức và ghê rợn lắm: ú…ú…um…um…um…Có thể khiến cho con nít đang quấy khóc phải nín bặt. Tù và không phải là một con vật, nó là cái vỏ ốc biển, khi thổi thật mạnh hơi vào đấy sẽ phát ra âm thanh và truyền đi xa. Thời kỳ Hợp tác xã, Tù và do các tay bảo vệ hoa màu nắm giữ để đi canh đồng. Còn thời xưa nữa, các Tuần phiên, Hương kiểm trong làng được phát Tù và để canh phòng đảm bảo an ninh, chống trộm cướp. Cái câu tục ngữ: “Ăn cơm nhà, vác Tù và hàng tổng” là như vậy.
3/ Ẩm thực
Lúc xưa chúng tôi thích ăn ốc mút. Ấy là loại ốc nhỏ rửa sạch luộc chín. Khi ăn cắn vỡ một đầu, mút mạnh nơi mồm ốc, ruột sẽ chạy sang. Có lẽ do vậy mà gọi là ốc mút chăng? Bây giờ trên các vỉa hè đường phố, tối tối các nam nữ thanh niên ngồi quây quanh hàng ốc, cắn cắn, mút mút, coi như một cái thú ẩm thực dân dã.  
Người đời sau hay truyền tụng một lối ẩm thực vô cùng cầu kỳ của thi sỹ Tản Đà. Ông lấy những cái vỏ ốc nhồi, rồi úp lên từng cái mầm rau muống. Sau mấy hôm cọng rau lớn lên tự luồn lách trong vỏ ốc. Cắt những ngọn rau ấy, đập vỡ vỏ ốc lấy ra cọng rau muống trắng như giá đỗ, ăn ngon, ngọt và giòn.
4/ Có một câu đố: Con gì? Nói về con ốc rất sinh động và hiện thực như sau:
                                   Nhà hình xoắn, ở dưới ao
                          Chỉ có một cửa ra vào mà thôi
                                   Mang nhà đi khắp mọi nơi
                          Dừng lại đóng cửa nghỉ ngơi một mình
Còn Nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì có một bài thơ tứ tuyệt “Vịnh ốc nhồi” rất chi là hay và tinh nghịch mang đậm phong cách đặc trưng Hồ Xuân Hương:
                                Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi
                                Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi,
                                Quân tử có thương thì bóc yếm
                                Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

TÔM TẬP TIẾN

“Vì sao tất cả họ hàng nhà mình chỉ biết đi giật lùi? – Có một chú tôm choai nghĩ – Mình chẳng muốn thế. Mình muốn đi thẳng lên phía trước như những chú ếch”.
    Chú nghĩ vậy và bắt đầu bí mật tập luyện giữa những tảng đá của dòng suối quen thuộc. Ôi! những ngày đầu tiên, chật vật biết bao. Chú vấp phải mọi thứ, làm xước rách, giập nát cả chiếc áo giáp của mình và hầu như chân đau nhói không chịu nổi. Nhưng rồi lần này qua lần khác, chú tiến bộ dần. Khi người ta  mong muốn thì người ta có thể học bất cứ điều gì.
  Một ngày nọ, chú quyết định cho bà con thân thuộc biết tài nghệ của mình, không việc gì mà phải che giấu. Đợi cho cả gia đình tụ tập đông đủ, chú mới nói :
-    Nào, xin mọi người hãy xem đây!
Chú hiên ngang phóng qua trước mặt họ. Chú không đi giật lùi mà tiến thẳng lên phía trước, như những chú ếch.
  Nhìn thấy chú đi như vậy, mẹ chú đầm đìa nước mắt:
  - Ôi, Con ơi! – Bà thốt lên – Con có còn trí khôn hay không? Con hãy nhớ lại đi, hãy đi đứng như bố con đã dạy, như mẹ con đã dạy. Hãy đi như tất cả các anh, các chị con đi.
  Còn những ông anh, bà chị thì cười nhạo báng, nhăn mặt, chau mày với chú.
  Ông bố liếc nhìn cậu con trai một cách dữ tợn và im lặng. Rất lâu sau ông mới lên tiếng:
   - Hừ, đủ rồi đấy! Mày muốn ở lại với chúng tao thì hãy đi như họ nhà Tôm. Còn mày muốn sống theo trí thông minh của mày thì tùy. Con suối này rộng lắm. Muốn đi sang hướng nào thì đi. Có điều là đừng quay trở lại.
Còn một đoạn nữa nhưng tôi chỉ trích đến đây để mọi người bàn tiếp. Liệu chú Tôm kia có dám từ bỏ thói quen cố hữu đi giật lùi của họ hàng nhà mình hay không???
Đọc tiếp »

TÔM



1/  Đi kéo te tôm:
Thời niên thiếu chúng tôi hay đi kéo te tôm ở ven con sông đào  trước nhà. Te kéo tôm lớn hơn nhiều so với loại te kéo tép. Và nói chung không phải bôi hồ, bỏ thính (cám rang) như te kéo tép ở trong đồng.
Thời điểm kéo te tôm đẹp thường là về chiều và đẹp nhất là lúc chiều tối. Chỉ mang theo cái đèn chai lù mù, vì thế muốn cho dễ thấy, mỗi cái te buộc vào đấy mẩu giẻ trắng. Kéo te lên nghe bên trong có tiếng bật tanh tách là biết có tôm. Cái tập tính của loài tôm đã được dân ta đúc kết bằng câu tục ngữ: ‘‘Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông’’ (Chạng vạng là lúc hoàng hôn). Thời bấy giờ thủy sản còn khá sẵn, chưa bị tận diệt bằng các loại kích điện như hiện nay. 
2/ Họa sỹ vẽ tôm nổi tiếng
Tề Bạch Thạch (1864-1957) là một họa sỹ lừng danh của Trung Quốc. Ông chưa từng qua một trường lớp đào tạo nào về Mỹ thuật, chỉ dựa vào năng khiếu bẩm sinh và tự học. Ông vẽ phong cảnh, vẽ các loại côn trùng, cây cỏ rất có hồn và đặc biệt nổi tiếng với những bức tranh vẽ về tôm. Đến nỗi khi nói đến Tề Bạch Thạch là người ta nghĩ ngay đến hàng trăm bức tranh vẽ tôm của ông. Các tác phẩm của Tề Bạch Thạch tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng vô cùng sinh động, đầy sức sống, tạo nên một phong cách riêng biệt hết sức độc đáo.
3/ Chuyện Tôm bị đánh trượt:
Tóm tắt câu chuyện như sau:
“Được hóa Rồng là mơ ước của muôn loài. Ngọc Hoàng biết vậy nên đã tổ chức một cuộc thi vượt Vũ Môn. Cá rô nhảy qua được một đợt, đến các đợt sau thì bị rớt. Cá trê nhảy không qua, ngã bẹp cả đầu. Còn tôm lợi thế có cái lưng cong và khả năng bật càng, tuy vậy cũng đến lượt thứ ba mới qua được.
Cá chép thì ranh mãnh nhờ một đợt sóng đưa lên cao, vượt luôn một lần qua Vũ Môn.
Chủ khảo long trọng công bố Tôm và Cá chép được hóa Rồng. Tuy nhiên sau đó Tôm bị phát giác là đã mang cứt trên đầu đến nơi thi làm ô uế trường thi và đã bị đánh trượt. Cuối cùng chỉ còn có Cá chép hóa thành Rồng”
Biết chuyện này có người đã làm mấy câu thơ diễu Tôm:
“Chưa phải vương công, chẳng phải hầu
Học đòi dao kiếm, lại mang râu
Uốn lưng bơi ngược trong dòng bích
Chả biết làm sao cứt lộn đầu”
Đọc tiếp »

BÉ NHƯ CON KIẾN - XƯỚNG HỌA


           Bé tý mà sao cũng lạ đời
Hang cùng, ngõ hẻm khắp nơi nơi
Lang thang mặt đất còn dư sức
Lăn lóc lưng đồi đến hụt hơi
Hũ gạo vào ra, mà bận rộn
Cành đào lên xuống, tưởng ham chơi
Nhìn xem bọn chúng chăm lao động
Thật đáng cười chê những kẻ lười

27 bài họa:

1/ ĐÁNG PHỤC THAY (Dang Kich)
Đáng học lũ bay suốt cả đời
Bé mà rong ruổi khắp muôn nơi
Tản ra tìm mối theo trăm ngả
Xúm lại khiêng mồi chạy một hơi
Oan khuất củ khoai, thôi kiện cáo
Tỏ tường hũ gạo, chẳng rong chơi
Cần cù, dành dụm lo xa vậy
Bài học dành cho các vị lười

2/ CON SÂU (Nguyễn Trọng Liên)
Lùng nhùng từng khúc đến kinh đời
Phá hoại mùa màng ở khắp nơi
Buổi tối: cây non, vui lóa mắt
Sớm ngày: lá úa, tức hụt hơi
Cuộc đời chỉ biết chuyên gây hại
Năm tháng vô tình nhỡ cuộc chơi
Nhắn nhủ đến ai kìa có biết?
Kiếp sâu nhưng chẳng phải chây lười

3/ CHUYỆN CÁI KIẾN (Khanh Van Chi Duc)
Lấy oán trả ơn chuyện để đời  (1)
Cánh chim Gõ kiến gõ nhiều nơi
Người phô vóc nhỏ mà dai sức
Kẻ bảo đàn đông lại nặng hơi  (2)
Miệng chén đôi khi đành bước quẩn
Bụng người lắm bữa thử bò chơi
Tha lâu ắt hẳn thêm đầy tổ
Nhắc nhở lũ ve chớ sống lười 
Chú thích:
1- Truyện cổ Kiến và chim gõ kiến
2- Loại kiến hôi

 4/ CÁI KIẾN  (Ngô Quang Hùng)
Cần mẫn siêng năng suốt một đời
Bầy đàn có mặt khắp muôn nơi
Tìm mồi mấy lượt luôn bền sức
Giữ tổ bao lần chẳng hụt hơi
Mật mỡ nơi nào ưa kéo đến
Cành đa chốn nọ thích lên chơi
Mưa giông gió bão không hề ngán
Kiếm đủ đồ ăn chẳng phải lười

5/ VÔ ĐỀ (Nguyễn Trọng Liên)
Môi son má phấn khổ cho đời…
Buồn phía đêm trường lạnh lẽo nơi…
Thấp thỏm khách về xoa nắn hạt…
Bồi hồi người đến hít hà hơi…
Ôm thằng dục vọng mua đường nhục
Ấp kẻ si tình bán cuộc chơi
Bản nhạc không tên khung bảy nốt
Đau chi một kiếp phận chây lười

6/ XÃ HỘI KIẾN (Bá Tú Nguyễn)
Là loại quan quân đậm nét đời
Kết bè, kết lũ khắp muôn nơi
To đầu, nhiều cẳng, tài dùng sức
Lớn bụng, nhỏ thân, giỏi đánh hơi
Chúa khoái oai quyền, mê trụy lạc (*)
Quân ưa hung bạo, thích ăn chơi
Bạ đâu cắn đó loài cay độc
Hám lợi đua tranh chẳng phải lười

(*) Kiến Chúa chỉ ăn, nghỉ và tuyển những kiến đực khỏe mạnh tạo nòi giống

7/ ĐỜI LOÀI KIẾN (Nguyễn Trọng Liên)
Thương cho cái kiên khổ suốt đời
Hùng hục ngày đêm ở khắp nơi
Thằng Lửa phun hồng nơi cửa gió
Con Càng ngoác miệng chốn bơm hơi
Lính Thợ gật gù khi giấc ngủ
Bà Chúa say sưa suốt cuộc chơi
Cả kiếp xâm lăng và cướp bóc
Mới hay không một phút chây lười

8/ THẤY KIẾN (Thai Kim Tinh)
Thấy Kiến, khiến ta ngẫm chuyện đời
Nhỏ to trái ngược thiếu chi nơi
Bất bình to xác, không lên tiếng
Mang nặng nhỏ con, chẳng đuối hơi
Đào lỗ hang sâu, đâu đủ chứa
Leo cao tổ lớn, thỏa ăn chơi
Đời người đôi lúc còn thua kiến
Chăm chỉ chắc chi đã thắng lười?

9/ ĐÀN KIẾN  (Thai Kim Tinh)
Sức lực xem ra Kiến nhất đời (*)
Con đàn cháu đống khắp muôn nơi
Chăm lo xây tổ không ngơi nghỉ
Quần quật tha mồi chẳng xả hơi
Đoàn kết dưới trên không ẩu đả
Hòa đồng quần thể lúc vui chơi
Loài người còn học bầy Ong Kiến
Quy củ, siêng năng chẳng chịu lười

(*) Con kiến có thể nâng vật nặng gấp 20 lần trọng lượng nó

10/ KIẾN HAM VUI (Thai Kim Tinh)
Hám ngọt nhiều khi cũng khổ đời
Sa cơ miệng chén chẳng còn nơi
Càng to, răng độc hăng nghênh chiến
Râu nhỏ, mũi tinh giỏi đánh hơi
Thớt chỉ tanh tao, nhường nhặng đến
Gang đầy mật mỡ, cứ bò chơi
Quanh năm suốt tháng lùng đồ lạ
Thấy lạc Kiến vui, há chịu lười?

11/ TÍNH XẤU CỦA KIẾN (Cố Nhân)
Bản tính hung hăng nhất ở đời
Trẻ thơ truyền miệng biết bao nơi
Lúc va vào tổ lo xanh mắt
Khi chạm phải bày sợ hết hơi
Cắn trẻ, trẻ la đâu chuyện nhỏ
Đốt voi, voi chết chẳng trò chơi 
Xấu xa của kiến sao không nhắc
Lại vẽ gương chăm dạy kẻ lười

12/ NGẪM CHUYỆN KIẾN (Bảo Như)
Ông bà lấy tích kiến răn đời.
Đó lửa, đây càng... Ở mọi nơi.
Xem vậy dẫu rằng: "Bé chút xíu!"
Thiệt tình nó thế! Chứ hăng hơi
Khi cần điều khiển cả voi đấy!
Lúc giận chích càn không phải chơi!
Đoàn kết anh nào cũng phải nhớ
Chuyên cần lao động, chẳng chây lười

13/ CHUYỆN CỦA KIẾN  (Khanh Van Chi Duc)
Kiện cáo lũ bay chuyện để đời
Luôn luôn nhìn thấy ở nhiều nơi
Âm thầm, nhanh nhẹn mà bền sức
Giận dữ, khôn ngoan chỉ tỏa hơi
Đoàn kết keo sơn khi gặp khó
Yêu thương mật thiết lúc rong chơi

Đồ ăn thức uống luôn dư dả
Của cải đầy kho vẫn chẳng lười

14/ KIẾN VÀ VOI  (Dong Hoang)
Mẹ kể... Ngày xưa ... thật đã đời 
Chuyện VOI thua KIẾN ở muôn nơi
Voi đây cậy khỏe - càng đua sức
Kiến đấy dùng mưu - giữ được hơi
Ngoáy ngoáy tai này - chưa đã Giận
Khều khều mũi nọ - giỡn mà Chơi
VOI ơi! Mập xác mà thua nó.
Túc kế đa mưu KIẾN chẳng lười

15/ LÀNG KIẾN (Viet Hung Le)
Kiến Lửa hung hăng nhất ở đời
Kiến Vàng làm tổ khắp nơi nơi
Kiến Càng bắt mối cong lưng bới
Kiến Riện tha mồi vác một hơi
Kiến Nhọt kim dài đâm nhức nhói
Kiến hôi cao cẳng chạy như chơi
Kiến con líu ríu bên chân mẹ,
Kiến thợ chăm lo chẳng phải lười

16/ KIẾN (Bá Tú Nguyễn)
Đời đạo không xa với đạo đời
Tìm vui hạnh phúc ở muôn nơi
Kiến văn quảng bác, thông minh lạ
Kiến thức uyên thâm, xóa ám hơi
Kiến tánh tinh cần rèn lối học
Kiến tâm chuyên chú luyện đường chơi
Chung quy Đời Đạo nhiều thành kiến
Kiến thiết nhân gian hiểu - chớ lười

17/ LỜI RĂN CỦA KIẾN (Viet Hung Le)
Họ kiến nhà ta vốn ở đời
Sinh sôi, nẩy nở khắp muôn nơi
Quanh năm vất vả, không giờ nghỉ
Ngày tháng an nhàn, được mấy hơi
Chớ giống, bầy ve mê múa hát
Đừng như đàn bướm, mải rong chơi
Chăm lo dành dụm phòng mưa bão
Cố gắng làm ăn, chẳng biếng lười

18/ TÍCH XƯA (Nguyễn Hoàng)
Đòi kiện củ khoai, tích để đời
Nỗi oan trần thế, có bao nơi?
Tài hèn những tưởng, còn sung sức
Đức mỏng đâu ngờ, đã xịt hơi
Nghèo khó chẳng yêu người biếng nhác
Sang giàu chả ghét gã ăn chơi
Mới hay trong mắt người nho sĩ
Ẩn tích mai danh gánh chữ “lười”

19/ LÀM  VÀ... CHƠI (Thanh Thanh)
Buồn thay cho kiếp sống chây... lười
Làm khái niệm xưa cũng đổi... đời
Phòng lạnh thảnh thơi người nói... việc
Đồng sâu hì hục họ rằng... chơi
Đêm trường thức trắng cùng... vung sức
Ngày đến ngủ vùi để... lấy hơi
Cũng tại dân cày đang thiếu ruộng
Cho nên nhà nghỉ có nhiều nơi

20/ CHUYỆN KIẾN (Nguyễn Hoàng)
Cần mẫn mưu sinh trọn cuộc đời
Đàn đàn lũ lũ sống muôn nơi
Gặp mồi bu đến, cùng chung sức 
Thấy của ôm về, chỉ một hơi 
Chưa có khoai vàng, còn kiện tiếp
Hễ còn mật mỡ, chẳng rong chơi
Ô hay! loài Kiến sao siêng thế?
Có thấu chăng đây hỡi gã lười.

21/ GỠ OAN CHO KIẾN (Thai Kim Tinh)
Có ai Kiến đốt phải lìa đời?
Nọc độc gấp trăm ở khắp nơi.
Bất quá chích xong gây ngứa ngứa...
Chẳng qua bò lại thấy hơi hơi...
Cây đa kiếm chốn lo tu tỉnh.
Miệng chén giam mình hạn chế chơi.
Chê Kiến độc, còn mình đạo đức.
Thiện căn vun đắp lại chây lười?

22/ LỜI KIẾN (Dương Hoàng)
Họ hàng ta sống ở muôn nơi 
Ngang dọc, dọc ngang nỏ ngán đời
Cành cụt leo hoài không đoản sức
Núi cao trèo mãi chẳng hao hơi
Cần cù xây tổ ngay khi bão
Chăm chỉ tha mồi cả lúc chơi
Đoàn kết cùng nhau lo cuộc sống
Chẳng ai chê trách kiến chây lười

23/ LỜI KIẾN (Thai Kim Tinh)
Chẳng ai chê trách kiến chây lười
Bởi chẳng bao giờ thấy Kiến chơi
Miệng bận ngậm tha, nên nín tiếng
Thân lo cõng vác, phải im hơi
Đường xa co cẳng na về tổ
Mồi nặng còng lưng kéo đến nơi
Chỉ biết chăm lo tròn bổn phận
Đâu còn sức hưởng thú vui đời

24/ KIẾN CẦN CÙ (Thai Kim Tinh)
Cần mẫn siêng năng suốt cuộc đời
Địa bàn hoạt động thật nhiều nơi
Âm thầm liên kết không gây tiếng
Lặng lẽ truy tìm dấu vết hơi
Trách nhiệm cộng đồng, luôn gánh vác
Lo toan quần thể, chẳng ăn chơi.
Thế gian được mấy người như Kiến
Chẳng chút nghỉ ngơi, sợ tiếng lười

25/ CÔNG ƠN LOÀI KIẾN (Bá Tú Nguyễn)
Góp sức dựng xây giúp ích đời
Tinh thần đoàn kết khắp muôn nơi
Người Nam, quan Trạng ngồi dùng sức... (1)
Xứ Bắc, sứ Thần chạy hết hơi...
Phố xá người đông... làn điệu ví
Ao hồ cá-kiến, thú vui chơi
Công năng chữa bệnh vùi thân xác (2)
Giữ sạch môi sinh thật chẳng lười
 (1) Trạng dùng Kiến càng buộc chỉ ngang lưng xâu ốc
(2) Kiến có thể trị được bệnh "Tị ăn mũi" nơi người
26/ ĐÁNG KHEN (Phạm Sĩ Hai)
Từ khi có mặt ở trên đời
Danh tiếng ngày càng nổi khắp nơi
Núi thẳm leo cao không nản chí
Hang sâu bò tận vẫn thừa hơi
Thò càng hũ mật ung dung nhắm
Chui lỗ tai voi nghí ngoáy chơi
Râu vểnh, mắt giương dòm vạn vật
Chăm lo cuộc sống ghét ươn lười

27/ CHUYỆN KIẾN VOI (Lại Thế Hệ)
Chuyện Kiến Voi thi để lại đời
Nhân văn sâu sắc ở muôn nơi
Voi lôi đại thụ băng băng sức
Kiến kéo cọng rơm nhích nhích hơi
Kẻ thắng vui lòng say luyện tập
Người thua vững trí gác ham chơi
Đua tranh mới biết đời dầu khó
Khó đấy mà nên miễn chớ lười


-----------------------------------------------


Đọc tiếp »