Ông sinh năm 1937, là
con cụ Lý Hiện ở Mỹ Thành, xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Trong kháng chiến chống
Pháp, ông học Tiểu học ở trường xã rồi trường huyện. Năm 1952 học lên bậc Trung
học, ông phải vào Hậu Hiền, huyện Thiệu Hóa cách nhà 50 km học Trường Trung học
Nguyễn Thượng Hiền. Năm 1954 ông theo các anh chị ra Hà Nội, ở số nhà 45 phố
Thi Sách học tiếp Trung học.
Học xong lớp 7, ông
tình nguyện vào Thanh niên xung phong đi xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào
Cai. Thời ấy người có trình độ như ông là hiếm nên chỉ thời gian sau Ban Chỉ
huy công trường điều ông lên làm Thống kê.
Năm 1956 ông được cử
đi học Trung Cấp Giao thông, ngành Xây dựng đường sắt.
Từ đây cuộc đời ông gắn
chặt với các Nhà Ga, Thanh ray, Tà-vẹt…. Ông đã từng làm cầu trên nhiều tuyến
đường, từ việc xây mới cầu Việt Trì, Cầu Phú Lương đến phục hồi cầu Cừ, cầu Hàm
Rồng, cầu Làng Giàng… Nghề của ông buộc phải đi đây đi đó, lập lán trại ăn ngủ
tại công trường.
Ông không phải chỉ là
người say sưa với công việc. Tôi còn nhớ năm 1966 ông có gửi cho cha tôi một bức
thư. Ngoài các nội dung thăm hỏi, trao đổi thông thường, có thêm một đoạn: “…Em
mới đọc được mấy bài thơ khá đặc biệt của Tố Hữu, em gửi về anh tham khảo:
Tôi kể ngày xưa chuyện
Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để
trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay
giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển
sâu”….
Ngày ấy quan hệ nước
ta với mấy ông anh cũng phức tạp nên mấy câu ấy như một lời cảnh báo. Năm 1965, đang làm cầu đường sắt vượt sông Lam
thì Mỹ mở rộng đánh phá miền Bắc. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Giao thông điều
cử ông vào sâu phía trong đảm bảo giao thông thông suốt cho tuyến đường Trường
Sơn. Ông và đồng đội như những chiến binh thực sự ngoài mặt trận khi mà bom đạn
và những trận sốt rét rừng hàng ngày, hàng giờ luôn luôn đe dọa tính mạng.
Những ngày tháng đó
ông đã gặp cô Thanh niên xung phong xinh đẹp, giỏi giang ở Đoàn 559, quê Tĩnh
Gia. Cô là Vũ Thị Phúc, trực tổng đài giữ đường dây thông tin liên lạc giữa chiến
trường và hậu phương. Một mối tình lãng mạn thời chiến tranh đã được kết tinh
và nảy nở trong khói lửa.
Năm 1969, ông xin
phép đơn vị tổ chức lễ thành hôn. Đám cưới được tổ chức ngay tại Binh trạm thuộc
một vùng rừng núi của tỉnh Quảng Bình. Về thăm quê ít hôm, ông bà lại cùng
nhau trở lại chiến trường.
Đường 20, bến phà Long Đại, phà Gianh, Ban 67,
Đoàn 559 là những tên đất, tên sông đã gắn bó cùng ông suốt một thời chiến
tranh gian khổ.
Cho đến sau Giải
phóng miền Nam, ông mới được trả về Tổng cục Đường sắt. Sau nhiều năm bôn ba,
xa nhà, xa quê, ông xin về Đoạn Đường sắt Hà Nội – Vinh làm ở Ban Kiến thiết
xây dựng.
Cũng thời gian này vợ
chồng ông về quê nội ở Mỹ Thành dựng tạm một căn nhà tranh 3 gian, bên cạnh mẹ
già tuổi 80 đau yếu.
Hơn 20 năm sau đó, ông đã phấn đấu từ nhân
viên lên Trưởng phòng Kế hoạch, rồi Trưởng Ban Kiến thiết.
Ông cũng mong muốn được
đứng trong hàng ngũ của Đảng để thuận lợi trong công tác. Nhưng định kiến về
“thành phần gia đình” quá nặng nề khiến cho việc thẩm tra lý lịch để kết nạp gặp
những trắc trở. Có lẽ ông cũng là trong số ít người có chức vụ mà vẫn ngoài Đảng.
Ông sống cần kiệm,
thanh bạch và liêm khiết. Ai cũng bảo chắc ông phải kiếm được nhiều lắm, làm ở
Ban Kiến thiết Đường sắt cơ mà. Thế nhưng mãi tới năm 1986 ông mới lên đời cái
nhà tranh vách đất, thay bằng nhà cấp 4. Ông bảo ngần ấy năm công tác ông không
bao giờ nhận phong bì thỏa hiệp với đối
tác để làm dối, làm ẩu công trình.
Đến nay ông đã nghỉ
hưu được 16 năm, sức khỏe không được tốt lắm, vài ba lần thần chết đã rập rình
về bắt đi. Nay thì ông vẫn chăm chỉ luyện tập, chăm chỉ uống thuốc, ăn uống đạm
bạc và có ý tưởng rằng biết đâu vào một ngày đẹp trời nào đó, ông lại đủ sức khỏe
để rong ruổi thăm lại những địa danh xưa, thời thanh xuân ông đã từng gắn bó.
Ông có 4 người con đều đã
trưởng thành mỗi người mỗi việc, trong đó anh con đầu đi theo nghiệp của ông:
Xây dựng cầu đường sắt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét