Trang

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

LẠI MỘT LẦN CHẾT HỤT


Tôi còn một lần chết hụt vào tháng 9 năm 1972. Năm ấy vừa học xong cấp 3 ở Kinh Môn, chiến tranh ác liệt, đường giao thông bị cắt đứt nên tôi không thể về Thanh Hóa được. Tôi ở lại đi làm thuê đào đất, kéo xe kiếm tiền đỡ đần thêm cho cậu.
Ngày nào cũng có hàng đàn máy bay vào đánh phá dọc Quốc lộ 5. Các cầu lớn nhỏ đều bị bom đánh sập. Ban đêm máy bay cũng thường bay vào hoạt động. Chớp lửa bom nhoang nhoáng, nổ vang rền, còn đạn pháo của ta đan xen như lưới đỏ rực, nở như hoa trên bầu trời, dân ta gọi là “lưới lửa phòng không”.
Đêm ấy tầm khoảng 3 giờ sáng, mọi người đang ngủ say, bỗng nghe một tiếng “bụp” rất đậm và chắc. Sau đó là những âm thanh lốp đốp như mưa đá. Giật mình, tôi mở mắt nhìn lên mái nhà thấy nền trời sang sáng, ngói bay đâu mất cả. Sờ lên bụng thấy ươn ướt và nhầy nhầy như có máu. Nghĩ thầm chắc bị mảnh bom, lòi ruột rồi. Loáng quáng lao ra ngoài sân. Cả nhà hoảng loạn, cùng hò nhau chạy ra hầm chữ A phía góc vườn. Sân vườn đều một thứ bùn đất nhão nhoét, tanh tưởi. Chỉ mấy phút sau nghe tiếng kêu khóc dậy đất ở phía giữa làng.
Ông Khảm ngoài đầu chợ chạy sang, trên người mặc độc cái quần cộc, chân tay xây xát, rét run cầm cập. Ông nói không ra hơi: “Vợ con tôi chết cả rồi, các ông, các bà ơi! Sơ tán cả vào nhà ông Bảy nên chết hết mất rồi”.
Chúng tôi chạy sang phía nhà ông Bảy, hố bom đào đất lên ngổn ngang, mùi khói bom còn khét lẹt. Ngôi nhà cấp 4 không còn một tí dấu vết nào, một quả bom rơi trúng giữa nhà đã giết hại gần hết cả 2 gia đình, nhà ông Bảy và nhà ông Khảm. Tổng cộng lớn bé hơn 10 người. Thịt xương tan nát bay tung tóe khắp nơi.
Dân quân phải tập trung các phương tiện tải thương, tìm kiếm nạn nhân suốt trong đêm ấy và cả sang ngày hôm sau.
Trận bom thật bất ngờ vì đúng vào thời điểm dân làng đang còn ngủ say. Nó đã để lại những tổn thất nặng nề. Một vệt bom dài khoảng 300 mét giữa khu dân cư đã cướp đi sinh mạng của hai chục người và rất nhiều người khác bị thương
Tôi ngủ ở cái giường cạnh cửa sổ, phía ngoài là một cái ao. Quả bom rơi xuống giữa ao nên có bao nhiêu bùn đất, bèo bớn, cá tôm nó tung hết lên mặt đất. Cũng may bom rơi xuống ao chứ không chắc hôm ấy tôi và nhiều người khác đã về thế giới bên kia rồi.

Năm ngoái có dịp trở lại, đi qua chỗ nhà ông Bảy, nhà cửa san sát, dày đặc. Còn cái ao xưa nơi quả bom rơi xuống cũng đã mọc lên những tòa nhà, dấu vết chiến tranh có chăng chỉ còn trong ký ức.
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

ÔNG NGUYỄN DUY QUỲ


Ông sinh năm 1937, là con cụ Lý Hiện ở Mỹ Thành, xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông học Tiểu học ở trường xã rồi trường huyện. Năm 1952 học lên bậc Trung học, ông phải vào Hậu Hiền, huyện Thiệu Hóa cách nhà 50 km học Trường Trung học Nguyễn Thượng Hiền. Năm 1954 ông theo các anh chị ra Hà Nội, ở số nhà 45 phố Thi Sách học tiếp Trung học.
Học xong lớp 7, ông tình nguyện vào Thanh niên xung phong đi xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Thời ấy người có trình độ như ông là hiếm nên chỉ thời gian sau Ban Chỉ huy công trường điều ông lên làm Thống kê.
Năm 1956 ông được cử đi học Trung Cấp Giao thông, ngành Xây dựng đường sắt.
Từ đây cuộc đời ông gắn chặt với các Nhà Ga, Thanh ray, Tà-vẹt…. Ông đã từng làm cầu trên nhiều tuyến đường, từ việc xây mới cầu Việt Trì, Cầu Phú Lương đến phục hồi cầu Cừ, cầu Hàm Rồng, cầu Làng Giàng… Nghề của ông buộc phải đi đây đi đó, lập lán trại ăn ngủ tại công trường.
Ông không phải chỉ là người say sưa với công việc. Tôi còn nhớ năm 1966 ông có gửi cho cha tôi một bức thư. Ngoài các nội dung thăm hỏi, trao đổi thông thường, có thêm một đoạn: “…Em mới đọc được mấy bài thơ khá đặc biệt của Tố Hữu, em gửi về anh tham khảo:
Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”….
Ngày ấy quan hệ nước ta với mấy ông anh cũng phức tạp nên mấy câu ấy như một lời cảnh báo.  Năm 1965, đang làm cầu đường sắt vượt sông Lam thì Mỹ mở rộng đánh phá miền Bắc. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Giao thông điều cử ông vào sâu phía trong đảm bảo giao thông thông suốt cho tuyến đường Trường Sơn. Ông và đồng đội như những chiến binh thực sự ngoài mặt trận khi mà bom đạn và những trận sốt rét rừng hàng ngày, hàng giờ luôn luôn đe dọa tính mạng.
Những ngày tháng đó ông đã gặp cô Thanh niên xung phong xinh đẹp, giỏi giang ở Đoàn 559, quê Tĩnh Gia. Cô là Vũ Thị Phúc, trực tổng đài giữ đường dây thông tin liên lạc giữa chiến trường và hậu phương. Một mối tình lãng mạn thời chiến tranh đã được kết tinh và nảy nở trong khói lửa.
Năm 1969, ông xin phép đơn vị tổ chức lễ thành hôn. Đám cưới được tổ chức ngay tại Binh trạm thuộc một vùng rừng núi của tỉnh Quảng Bình. Về thăm quê ít hôm, ông bà lại cùng nhau trở lại chiến trường.
 Đường 20, bến phà Long Đại, phà Gianh, Ban 67, Đoàn 559 là những tên đất, tên sông đã gắn bó cùng ông suốt một thời chiến tranh gian khổ.
Cho đến sau Giải phóng miền Nam, ông mới được trả về Tổng cục Đường sắt. Sau nhiều năm bôn ba, xa nhà, xa quê, ông xin về Đoạn Đường sắt Hà Nội – Vinh làm ở Ban Kiến thiết xây dựng.
Cũng thời gian này vợ chồng ông về quê nội ở Mỹ Thành dựng tạm một căn nhà tranh 3 gian, bên cạnh mẹ già tuổi 80 đau yếu.
        Hơn 20 năm sau đó, ông đã phấn đấu từ nhân viên lên Trưởng phòng Kế hoạch, rồi Trưởng Ban Kiến thiết.
Ông cũng mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng để thuận lợi trong công tác. Nhưng định kiến về “thành phần gia đình” quá nặng nề khiến cho việc thẩm tra lý lịch để kết nạp gặp những trắc trở. Có lẽ ông cũng là trong số ít người có chức vụ mà vẫn ngoài Đảng.
Ông sống cần kiệm, thanh bạch và liêm khiết. Ai cũng bảo chắc ông phải kiếm được nhiều lắm, làm ở Ban Kiến thiết Đường sắt cơ mà. Thế nhưng mãi tới năm 1986 ông mới lên đời cái nhà tranh vách đất, thay bằng nhà cấp 4. Ông bảo ngần ấy năm công tác ông không bao giờ nhận phong bì  thỏa hiệp với đối tác để làm dối, làm ẩu công trình.
Đến nay ông đã nghỉ hưu được 16 năm, sức khỏe không được tốt lắm, vài ba lần thần chết đã rập rình về bắt đi. Nay thì ông vẫn chăm chỉ luyện tập, chăm chỉ uống thuốc, ăn uống đạm bạc và có ý tưởng rằng biết đâu vào một ngày đẹp trời nào đó, ông lại đủ sức khỏe để rong ruổi thăm lại những địa danh xưa, thời thanh xuân ông đã từng gắn bó.
        Ông có 4 người con đều đã trưởng thành mỗi người mỗi việc, trong đó anh con đầu đi theo nghiệp của ông: Xây dựng cầu đường sắt.  
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

LAN MAN CHUYỆN KIẾN

Hồi còn đang học cấp 1, cuốn sách Kim Đồng lần đầu tiên mà tôi được đọc là một câu chuyện nói về Kiến. Lâu lắm rồi nên tôi không nhớ tên sách là gì nhưng nội dung chuyện thì đang còn nhớ. Tóm tắt sơ lược thế này:
Một chú Kiến hiếu động và ham chơi. Một bữa leo lên đỉnh ngọn cây cao để xem phía xa xa kia có gì. Chẳng may bám vào một cái lá vàng nên gió to đã làm cho lá rụng. Chú ta cứ thế bám chắc vào đấy cho đến khi lá bay ra xa và rơi xuống đất. Thoạt đầu chú rất lo sợ, hoang mang gào khóc ầm ỹ. Nhưng sau đó chú được rất nhiều bạn tốt giúp đỡ như sâu đo cho ngồi lên lưng để đưa qua gò cao, nhện nước cõng qua sông, bọ dừa, bọ ngựa… chỉ lối dẫn đường. Mãi đến chiều tối chú ta mới bò về đến tổ. Chú chui vào tổ cũng là khi cánh cổng đến giờ đóng lại…. Đại khái câu chuyện là thế, chung quy lại là rất có tính người.
Hồi con nít, chúng tôi thường phải đi chăn thả trâu ở mấy cái gò bãi cạnh làng. Ở đấy có khá nhiều kiến. Có một loại kiến đen dài đến gần 1 phân, đốt cực đau. Chỗ nó đốt có thể sưng lên và nổi giát đỏ. Chúng tôi bày ra trò chơi đua kiến. Mỗi đứa tìm bắt một con, dùng móng tay cặp rút cái ngòi ở đít ra để nó khỏi đốt mình. Kiếm một nơi đất bằng phẳng, vạch một vạch xuất phát và một vạch về đích. Các chú kiến cùng xuất phát một lúc và nói chung thường chạy lung tung tứ phía. Chúng tôi phải theo sát chúng, lấy tay ne cho chúng hướng về đích. Kiến nào về đích trước là ăn giải (được búng tai thằng khác) 
Năm tôi dạy học ở miền núi Thạch Thành, ngay sát vách là phòng của anh Hồ, dạy văn, người dân tộc Mường. Anh là thương binh bị mất một tay nhưng lao động giỏi hơn cả người lành lặn. Bắn súng hơi thì thiện xạ vô cùng. Thấy con chim đậu trên cành cây mé sau ao, anh xách súng lên và bảo: “Ta đi lấy con chim kia!”, nhẹ nhàng như lấy đồ trong túi vậy. Chiều tối hôm ấy, vừa lên lớp xuống, thấy anh gọi: “Này, sang đây, ta đang có món này”. Tôi sang thì thấy trên mâm ngoài vài món thông thường còn có thêm một đĩa trăng trắng trông như cơm nguội rang. Anh hỏi tôi: “Có biết cái gì không?”. Quả thật từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ tôi chưa được ăn món này khi nào. Nó bùi, hơi ngòn ngọt và thơm thơm. Đấy là lần đầu tiên và cũng chưa có lần thứ hai tôi được ăn trứng kiến. Anh cho biết hôm qua Chủ nhật vào rừng thấy có tổ kiến to trên cây, chặt mang về lấy ra được vài bát trứng.
Cách đây ít hôm, có ý định chuẩn bị cho chủ đề Kiến, tôi nói với một thầy dạy Văn cấp 3: “Con Kiến ở khắp quanh ta mà sao thành ngữ, tục ngữ nói về nó có vẻ hơi ít”.
Anh cười: “Không ít đâu, tôi sơ sơ đã có đến 4, 5 câu đây này!” và lẩm nhẩm đọc một loạt:
“Quan thấy kiện như Kiến thấy mỡ”, “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, “Con Kiến mà kiện củ khoai”, “Kiến giết Voi”, “Kiến bò miệng chén”, “Con Kiến mà leo cành đào…”, “Bé như con kiến”….
Lại nhớ đến Thơ của Trần Đăng Khoa có hẳn một bài về Kiến: “Đám ma bác Giun”:
      Bác giun đào đất suốt ngày
Trưa nay chết dưới bóng cây sau nhà
Họ hàng kiến rủ nhau ra
Kiến con đi trước, kiến già theo sau
        Cầm hương kiến Chúa bạc đầu
Khóc than kiến cánh khoác màu áo tang
    Kiến lửa đốt đuốc đỏ làng
Kiến kim chống gậy, kiến càng nặng vai
Đám ma đưa đến là dài
Qua những vườn chuối, vườn khoai, vườn cà
Kiến đen uống rượu la đà
Bao nhiêu kiến gió bay ra chia phần…

Đọc tiếp »