Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

TRUNG HOA DU KÝ

      Năm 2008, cơ quan tôi có chuyến đi tham quan Trung Quốc. Gặp nhiều chuyện hay, tôi xin kể hầu các chư vị vài chuyện:
      Mới đến cửa khẩu đã thấy hướng dẫn viên Trung Quốc chờ sẵn để đón và nhận bàn giao khách. Tưởng hắn chỉ biết võ vẽ tiếng Việt ai ngờ lên xe hắn hót như khiếu, hơn bất cứ một ông bẻm mép nào trong đoàn. Hắn còn thuộc cả những câu thơ dân gian:
                 "Không đi không biết Đồ Sơn
               Đi thì mới biết chẳng hơn đồ nhà
                   Đồ nhà bằng cái lá đa
               Đồ Sơn bằng cái bàn là Liên Xô…"
     Ở Nam Ninh hắn đã đưa đoàn đi nhiều nơi, trong đó có "Nam Ninh Đại Dược Đường". Hiệu thuốc lớn, nhà 5-6 tầng lộng lẫy với hàng trăm phòng. Đón tiếp đoàn cực kỳ long trọng. Đúng là các Thượng đế chính hiệu.
     Sau màn ảo thuật bằng mấy tiết mục như cho tay vào sắt nung đỏ, biến gà què thành gà lành… là quảng cáo thuốc các loại. Có một loại thuốc mang tên "Đông trùng hạ thảo" được giới thiệu rất chi là hoành tráng: lấy từ miền cao nguyên Tây Tạng và được bào chế một cách vô cùng cẩn thận, công phu.
     Khách hỏi: Để làm gì? Chủ nháy mắt một cách bí hiểm: Chuyên trị cho các ông "trên bảo dưới không nghe".
      Ông bạn cùng đi với tôi không ngần ngại, xuất túi mua liền một lúc 4 triệu bạc.
       Mấy tháng sau tôi hỏi ông: "Thế nào? Thần dược chứ". Ông cười mếu máo: "Mẹ cha nó. Mất tiền oan". Vậy là tôi hiểu nó vẫn không chịu nghe ông.
      Đến Quế Lâm, cảnh đẹp mê hồn, núi non như ngọc như ngà. Trên sông Li Giang thuyền đưa du khách lướt nhẹ trên sóng. Thợ ảnh phát cho mỗi người một tấm ảnh mầu sặc sỡ ai nhìn vào cũng thích.
       Mở màn, một cô trong đoàn dáng chuẩn, chân dài nhảy lên boong thử một phát. Ảnh có liền sau vài phút, đẹp như tiên sa, lại không quên đề dưới mấy chữ Tàu viết theo kiểu thư pháp loằng ngoằng: "Quế Lâm lưu niệm".
       Thế là các Thượng đế ào lên, ai cũng muốn dung nhan của mình phải gắn được vào cái tiên cảnh "Quế Lâm lưu niệm" kia. Cánh "phó nháy" xoay trở luôn tay, bóp cò lia lịa. Tranh nhau chụp, nếu không thuyền chạy qua chỗ thiên thần ấy thì biết đến bao giờ mới có dịp quay lại…..
Máy kỹ thuật số cá nhân, máy điện thoại được huy động tối đa nhưng dù sao nó cũng không thể đẻ ra ảnh ngay lúc ấy.
         Chỉ với một đoàn khách du lịch, tốp thợ ảnh phối hợp nhịp nhàng với cánh du thuyền thu về một khoản không hề nhỏ. Mỗi ảnh khách trả 20 ngàn nhưng chỉ cần đầu tư mua giấy chưa đến 1 ngàn. Lợi nhuận khủng khiếp.
Trận đi ấy do được nghe những người đã từng qua nói lại, nên tôi quyết chí bóp chặt hầu bao. Tuy vậy đến hôm về kiểm kê lại cũng hao mất hơn 1 triệu chỉ trong có 4 ngày. Tự an ủi mình: đồng đội tiêu 10 triệu, ta có 1 triệu là quá kẹt.
         Chịu thua mấy anh Tàu, móc túi Thượng đế một cách ngọt ngào, êm ái mà Thượng đế vẫn cười phe phé. Lại phải bắt chước cụ Nam Cao, ngửa mặt lên trời cười mà than rằng:
            - Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh Tàu Khựa!


       Chỉ đi Trung Quốc có 4 ngày nhưng tôi cảm nhận rất rõ tính thực dụng của họ. Họ làm du lịch khá chuyên nghiệp, tìm cách để làm hài lòng du khách và vắt kiệt hầu bao, theo kiểu “không cho chúng nó thoát”.
       Chúng tôi bước vào một khách sạn hạng trung ở Nam Ninh. Ở ngay tiền sảnh đã có khoảng gần chục cô gái trang phục kiểu Tàu cổ, đứng dàn hai hàng chào hỏi. Khi đoàn khách vào, nhất loạt các cô mỉm cười, đồng thanh: “Nỉ mân hảo. Ta chia hảo”  (Chào các anh chị. Chào tất cả quý khách)
       Chúng tôi lên phòng ăn chuẩn bị ăn trưa. Trong khi các tiếp viên đang tíu tít sửa soạn bia rượu và đồ ăn thì thấy một đoàn vũ nữ được giới thiệu là của dân tộc Choang đến phục vụ. Nhạc nổi lên réo rắt, du dương. Họ hát và múa rất uyển chuyển, rất đặc trưng cho phong cách Tàu. Thực khách thấy lạ mắt nên ai cũng nghển cổ lên để xem.
      Họ đãi chúng tôi khoảng 3 tiết mục, sau đó các cô vũ công đi chạm cốc chúc rượu anh em trong đoàn. Thật là một kiểu lưu khách đầy ấn tượng mang màu sắc Trung Quốc. 
      Chúng tôi được dẫn đến một cửa hiệu sang trọng và giới thiệu: Đây là thế giới Trà lừng danh của Nam Ninh.
      Dẫn đoàn vào một phòng lớn, ánh sáng tỏa ra dịu mát, bàn ghế kê hình chữ U. Một cô gái trẻ ăn vận lịch sự theo cách cổ trang bước lên giới thiệu nghệ thuật pha trà và nghệ thuật rót trà. Đại thể là rất thành thạo, rất điệu nghệ không một chi tiết thừa nào, không để nước rớt ra ngoài một giọt nào. Tiếp theo là một đoàn 5-6 cô khác mang trà ra pha, đến tận nơi cung kính mời chúng tôi dùng. Phòng trưng bày của họ có rất nhiều các loại chè nổi tiếng như: Bát bảo, Trân châu, Ô long…. Nhiều người đã mua về làm quà. Giá hơi chát nhưng dù sao cũng là kỷ niệm một chuyến đi.
      Lại sang một phòng khác. Ở đây trưng bày đủ các loại bộ đồ trà như ấm, chén, hộp đựng. Nhớ nhất là cậu Thuyết minh viên giới thiệu một loại ấm chén Giang Tô bằng một thiên tình sử lãng mạn, đại để là:
       “Từ vùng đất Nghi Hưng, thuộc châu thổ sông Dương Tử, xưa kia có một đôi trai gái yêu thương nhau thắm thiết nhưng không lấy được nhau. Họ bị người đời rẽ duyên kẻ nam người bắc. Sau này người ta lấy hai thứ đất sét ở hai bên bờ sông gọi là đất cha và đất mẹ nhào nặn thành một thứ đồ gốm đặc biệt, mịn màng và cứng hơn thép”.
        Nói xong anh ta đặt cái ấm xuống sàn và đứng một chân lên, người xoay tròn để chứng minh cái điều mình vừa nói.
        Tôi chỉ mới đến Nam Ninh và Quế Lâm của Trung Quốc. Chuyện có sao nói vậy, không dám bịa một tý nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét