Trang

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

PHẬT GIÁO NHỮNG CHUYỆN BUỒN

       Đạo Phật đã được truyền bá vào nước ta từ khá lâu. Đến thời Lý, thời Trần thì phát triển cực thịnh. Nhiều vị Thiền sư đã có vị trí quan trọng trong các triều đại.
       Tuy vậy, chẳng phải bây giờ mà từ xa xưa đã có những câu chuyện đàm tiếu về giới tu hành làm tai tiếng đến uy tín của Phật giáo.
        Lúc bé tôi đọc Truyện cười dân gian Việt Nam, có hẳn một mục chuyên về châm biếm các nhà sư. Nào là sư háu gái, sư lằng nhằng với vãi, sư ăn thịt chó…
        Ví như chuyện có chú tiểu nhìn thấy sư đang ăn thịt chó hỏi thì sư cho biết mình ăn đậu phụ. Lát sau có tiếng chó cắn nhau ngoài cổng, sư bảo chú tiểu ra xem. Trở vào chú tiểu khoanh tay bẩm: “Bạch sư cụ! đậu phụ làng cắn đậu phụ chùa”.
         Trong kho tàng ca dao Việt Nam đã có những câu:
                          “Ba cô đội gạo lên chùa
                     Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
                            Sư về sư ốm tương tư
                     Ốm lăn, ốm lóc để sư trọc đầu…”
        Có thể số này không nhiều nhưng không phải là không có. Chung quy lại là người tu hành cũng có những người không chính quả. Không phải ngẫu nhiên mà có nhiều vị sư được dân gian gọi bằng cái tên khôi hài là Thích Đủ Thứ.
        Cách đây chừng chục năm, tôi và một anh bạn có việc vào trong Thành phố. Hai anh em đi một xe máy. Vừa ra đến Quốc lộ 1 thì bất ngờ gặp 2 ni cô mặc áo màu gụ ngồi trên một chiếc xe máy, trông cũng khá điệu đà. Hai cô xinh đẹp đến mê hồn, da trắng nõn, môi đỏ tươi, đầu cạo trọc bịt khăn gụ (khi ấy chưa có quy định phải đội mũ bảo hiểm). Cậu bạn cũng ga-lăng đã tăng ga vọt lên coi cho kỹ mặt mũi, dung nhan. Biết vậy nên hai cô cũng có vẻ như thách thức đã chủ động vượt trước. Bạn tôi vốn là một tay lái cừ khôi, nên không đời nào chịu lẽo đẽo theo sau hít khói. Vậy là cuộc đua khá căng thẳng và đầy kịch tính trên suốt chặng đường dài mười mấy cây số. Chỉ khi đến gần cầu Lèn các cô rẽ về chùa mới để lại cho 2 anh em một niềm nuối tiếc. Dọc đường đi chúng tôi nói với nhau: hai em còn nặng nợ trần gian thế này thì khó lòng mà tu cho đắc đạo lắm.
        Gần chỗ tôi ở có nhà hoàn cảnh rất thương tâm. Được một thằng con trai duy nhất, đã học xong ra đi làm thì bị tai nạn xe máy chết. Mẹ nó từ một phụ nữ hoạt bát, năng nổ bỗng như người phát điên, phát rồ. Đi xem bói, cầu đảo khắp nơi, thầy bảo phải sắm đồ lên chùa làm lễ giải oan cắt đoạn.
        Cả gia đình dễ đến chục người tập trung tới chùa để sư làm lễ cho suốt một ngày trời. Hỏi chị ta cho biết chi phí cho buổi lễ hôm ấy tất tần tật hết 25 triệu, trong khi vét vẹt trong nhà được có 5 triệu. Thôi thì thầy bảo vậy cũng cứ phải cắn răng vay mướn để làm cho nó toại nguyện.
       Nhà chùa có tiếng là nơi cứu nhân độ thế mà như vậy với chúng sinh thử hỏi có đáng hay không.
        Lại có chuyện, ở một ngôi chùa kia có cái ao lớn thả cá. Bọn trộm cứ rình mò tìm mọi cách đột nhập để bắt trộm. Không sao được nhà chùa sai chú tiểu làm một cái bảng lớn cắm giữa ao, trên viết mấy chữ: “Ao chùa thả cá. Nhà chùa đã phóng điện quanh ao. Ai xuống bắt trộm cá bị điện giật chết, nhà chùa không chịu trách nhiệm”.
        Ô hô! Ai tai! Mấy chữ TỪ BI HỈ XẢ của nhà Phật các thày đã quên hết rồi sao.

        Năm 2008, có người bạn rủ đi Bái Đính thăm ngôi chùa lớn nhất Việt Nam. Quả là lớn và quy mô chưa từng thấy. Cả một khu vực rộng mênh mông, ngổn ngang những hạng mục công trình lớn bé đang xây dựng dở dang. Dạo một vòng xem các thợ lắp đặt, chụp vài kiểu ảnh rồi về. Dọc đường anh bạn cứ xuýt xoa khen to và đẹp. Tôi bảo: công nhận là to đẹp, hoành tráng thật nhưng mình có cảm tưởng như đang ở trên đất Tàu, các kiến trúc cũng hao hao giống Tàu vậy.
        Bạn tôi vẫn không chịu cho rằng tôi cổ hủ quá, khắt khe quá. Thời bây giờ phải thay đổi tư duy đi. Công nghệ tiên tiến cho phép ta xây những công trình lớn, tầm cỡ quốc tế. Chúng ta cũng phải có cái để tự hào với thế giới chứ…
        Tôi đem chuyện này hỏi một Nhà nghiên cứu văn hóa xem quan điểm của ông thế nào.
         Ông bảo:
   - Đúng như chú nói. Kiến trúc chùa Việt Nam ta thấp và hài hòa, thân thiện với môi trường, tạo nên một sự tôn nghiêm nhưng không xa cách rất gần gũi với cách sống, cách nghĩ của người Việt chúng ta. Nếu làm lớn đến như vậy để đạt được các kỷ lục về to nhất, nhiều nhất thì không hợp với tư tưởng của Phật giáo xưa.  
         Năm 2010 được cơ quan cho đi chuyến du lịch xuyên Việt. Đến khu vui chơi giải trí Đại Nam văn hiến, choáng ngợp trước những công trình kiến trúc đồ sộ trên một diện tích rộng hàng trăm héc-ta. Rất nhiều trò vui chơi lạ lẫm và ấn tượng với du khách. Vườn thú với các con thú khắp năm châu, biển và núi nhân tạo như thật… Tuy nhiên đến khu thờ tự thì thấy không ổn, nó rất to lớn hoành tráng. Không biết căn cứ vào đâu để đặt tượng thờ một số bậc tiền nhân như Vua Hùng, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo và Hồ Chí Minh. Rất ngẫu hứng và tùy tiện. Ừ thì của tư nhân, tôi muốn thờ ai là do tôi, nhưng khó mà phân trần cho minh tích điều này.
          Còn các bài thơ khắc trên các công trình thì… Ôi chao! Nó lẫn lộn giữa thơ ca và hò vè. Nhiều câu nghe dễ dãi, trơn tru và…. tối nghĩa quá:
                                 “Về thăm Văn Hiến trầm hương
                         Nguy nga mười tám triều vương Đại Hùng
                                   Về thăm Văn Hiến Nhị Nùng
                          Khi về chở cả trống đồng hạo nhiên”
        Tôi thầm tiếc công của các ông thợ khắc đá. Giá như tìm được những câu thơ bất hủ mà thế vào đó thì có hay hơn không. Ca dao hoặc thơ mới đều được nhưng phải do những người có chuyên môn chọn giúp. Ở đây toàn thơ của ông chủ nên không tránh được sự non nớt, lặp lại và nhàm chán.
        Những năm gần đây các nơi đua nhau xây chùa. Có nơi dựng lại trên nền chùa cũ đã bị phá hỏng trong chiến tranh, có nơi xây mới hoàn toàn. Việc xây này mạnh ai nấy làm, đã tạo nên những sự cố đáng tiếc như trùng tu Chùa Trăm gian biến một di tích cổ hàng trăm năm chỉ còn 1 tuổi. Hoặc như mấy năm trước nạn chùa giả tràn lan ở khu vực chùa Hương khiến chính quyền phải ra tay cưỡng chế dỡ bỏ. 
       Thiết tưởng xây chùa nhiều, làm chùa to chỉ để phục vụ du lịch, để thu ngân sách, chứ còn chức năng giáo hóa của đạo Phật với chúng sinh thì mờ nhạt. Người ta đến chùa chủ yếu để thỏa mãn cái việc thăm thú, du ngoạn và lễ bái cầu xin. Còn cái Tham, Sân, Si thì vẫn y nguyên thậm chí còn nặng nề hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét