Ông sinh năm 1923
(Quý Hợi), mất năm 1969 do mắc bệnh hiểm nghèo. Các hồi ức về ông trong tôi mờ
nhạt. Khi tôi lớn lên ông đã vào tù, ông ra tù năm trước thì năm sau bị bệnh và
mất. Nhưng ông lại là thầy học của tôi trong khoảng nửa năm (1961). Chúng tôi học
vỡ lòng ABC ở nhà kho của Hợp tác xã. Lớp học ước độ vài chục đứa tập trung lại
thầy dạy cho đánh vần, viết chữ để vào lớp 1 (gọi là lớp Vỡ lòng)
Bài khai tâm đầu
tiên tôi còn nhớ là bài thầy bắt phải học thuộc lòng: “Con chim yêu tổ/Như ta
yêu nhà/Ai mà phá tổ/Chim buồn không ca….”.
Đặc biệt nhớ một hôm
đến lớp, ông gọi tôi và một cậu nữa lên bảng. Ông hỏi cả lớp: Các em có nhìn thấy
cái gì không?
Ông chỉ vào tôi và cậu
kia: Ken mắt này, mũi thò lò này, sáng không rửa mặt này, cổ đầy ghét này…. Và
ông cho cả lớp ồ lêu lêu để mà nhớ đời.
Những năm ấy khó
khăn lắm, cha mẹ tôi còn phải lo chạy ăn từng bữa nên những nhếch nhác như vậy
là thường.
Đột nhiên, vào một
buổi sáng, ông nói trước cả lớp giọng buồn rầu:
- Từ nay các em sẽ
nghỉ học, trên họ không cho tôi dạy nữa.
Năm 1963, ông bị bắt đưa đi cải tạo, không rõ tội trạng,
không thấy xét xử gì. Giam ở trại giam trên miền ngược Cẩm Thủy. Vợ con cứ vài
tháng một lần lại phải đi tiếp tế.
Những chuyện về ông sau này tôi nghe cha, chú kể lại
và đọc trong cuốn HỒI KÝ ĐẶNG TRUNG rằng là người ta nghi ngờ ông có tham gia đảng
phái…
Tấm ảnh bên dưới, ông là người cầm đàn Ghi-ta. Đấy là
cái chất đặc trưng rất nghệ sỹ của ông. Khi tôi 4-5 tuổi thì thấy ông chuyên huấn
luyện cho đội văn nghệ của làng. Ông tập sáo, nhị, đàn bầu cho người khác một
cách mê say. Khi xưa chưa có các phương tiện nghe nhìn thì văn nghệ xóm là thứ
giải trí độc nhất. Các buổi diễn kịch ở sân kho chúng tôi chui vào cánh gà xem,
thấy ông thường đứng sau nhắc vở.
Nghe nói, từ lúc trẻ ông ông đã nổi danh có năng khiếu
về văn nghệ và thể thao. Ông biết nghe hát và đánh trống chầu cho ca trù, mà việc
này thường rất khó. Ông biết chơi hầu khắp các loại nhạc cụ, từ nhạc cụ dân tộc
cho đến các nhạc cụ hiện đại như: ac-mô-ni-ca, ghi-ta, măng-đô-lin… Có những
đêm trăng sáng, mát trời ông tự đàn hát cho cả nhà nghe như một nghệ sỹ thực thụ.
Ông còn có khiếu chơi thể thao, huấn luyện thể dục.
Năm 1942, ông làm cán sự Thể dục Trung Kỳ tại Huế, dự Trại hè Sầm Sơn. Từ năm
1943, ông đã được tuyển lựa vào lớp Cao đẳng Thể dục toàn Đông Dương tại Phan
Thiết.
Ông tính tình phóng
khoáng, hào hiệp, giao du bạn bè rộng rãi. Có thể vì thế mà ông bị cách mạng
nghi vấn tham gia hoạt động đảng phái gì chăng?.
Anh em trong nhà thì bảo: “Cái lão Tựa này nó chơi bời
lãng mạn là chính, chứ biết quái gì về chính trị”.
Ông có tài nhưng cũng có tật, cái tật của những anh
nghệ sỹ. Ông được mệnh danh là “phá gia chi tử”. Nhà giàu, cha mẹ làm ăn, buôn
bán có tiền ông đã tiêu phá mất mấy lần. Ông không bài bạc, không rượu chè,
không vợ nọ con kia. Ông chỉ hào phóng rong chơi với đám bạn cho đến khi nào cạn
tiền thì về nhà tu chí một thời gian. Có những lần hết tiền ông vào chùa cạo trọc
đầu đi tu. Sư cụ rất yêu mến vì thấy ông thông minh, nhanh nhẹn đã có ý định truyền
dạy Phật pháp cho ông.
Trong tù, thấy ông tài hoa nên cánh giám thị đưa ngay
vào làm cán sự văn nghệ giải sầu cho trại nơi miền rừng heo hút. Tuy vậy, những
năm ở tù ăn uống kham khổ cũng làm ông suy giảm thể lực. Năm 1967, bà vợ ông bị
mất do bom Mỹ, gia đình đã đệ đơn xin ân xá cho ông. Năm 1968 được thả thì năm
1969 ông mất do bệnh xơ gan cổ chướng.
Ông
có 7 người con và hàng chục cháu nội ngoại. Không biết có phải được thừa hưởng
cái gien trội của ông hay không mà cũng có nhiều người nổi danh. Anh con trai
thứ Đặng Tương Như là học sinh giải Nhất môn Văn miền Bắc năm 1968. Thằng cháu
nội Đặng Thiều Quang là nhà văn trẻ khá thành danh hiện nay….
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét