Trang

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

LẠI CHUYỆN NÓI


Tôi có quen biết mấy anh đều là những người học hành giỏi giang, tài trí và thành đạt. Tuy rằng mỗi người mỗi lĩnh vực chuyên môn khác nhau nhưng ai cũng có một địa vị tương đối trong xã hội. Họ đều là những người sống rất mẫu mực, hào hoa, lịch lãm và sang trọng. Điều này không chỉ là thiên kiến của riêng tôi. Họ lại có một đặc điểm chung là Nói nhiều mà tôi sẽ trình bày ngay sau đây:
Người thứ nhất làm ở cơ quan hay phải đi nói chuyện các nơi. Anh chịu khó đọc sách báo, nghe đài nên có rất nhiều thông tin cần để dẫn dắt cho các vấn đề. Trời cho anh cái khiếu hoạt khẩu nên nói năng trôi chảy, không bao giờ dẫm lại ý tứ đã nêu. Tuy nhiên cái gì độc vị kéo dài cũng gây bội thực, nhàm chán. Hội nghị mà nghe anh nói đến nửa sau thì ngán lắm rồi. Nó dài lê thê, nó buồn rã rời nhưng anh là cấp trên về dự không thể tự ý cắt ngang được. Có nhiều khi anh không cảm nhận được ở cử tọa điều này, thành ra lại cứ hào hứng nói thêm nữa. Nhiều cuộc Hội nghị bế mạc mời anh lên phát biểu, các vị ngồi dưới cứ chốc chốc lại kín đáo liếc đồng hồ vì khi đó kim giờ đang túc tắc tiến về con số 12. Có lẽ đấy cũng là cái bi hài chả biết có khi nào anh tinh ý nhìn lại…. 
Người thứ hai cũng là một người từng va chạm nhiều, quảng giao khá rộng rãi. Ở cái thị xã cỏn con này hình như anh quen biết gần hết. Lĩnh vực nào anh cũng tường tận như là vừa mới bước từ trong đó ra. Và thế là ngồi với anh thì chỉ có mà nghe anh nói, đừng có xen vào, mất công. Tôi thực sự bái phục khả năng thuyết trình liên tục của anh, hàng giờ liền, hàng buổi liền. Hết vấn đề này lại chuyển sang vấn đề khác, rất uyển chuyển và rất linh hoạt như không hề có sự đứt đoạn. Tuy vậy nghe anh nói nhiều tôi ngẫm ra là cũng có nhiều chỗ sai. Vốn đã có câu rằng "năng nói, năng lỗi" mà. Còn tôi xin nghe theo các cụ, uốn lưỡi 7 lần.
Một người nữa học cao biết lắm, nay làm cũng kha khá ở trên Trung ương. Cái việc của anh đi nhiều, tiếp xúc nhiều nên vô cùng lắm chuyện. Thôi thì sơn lâm cùng cốc, bên Tây bên Tàu đâu đâu anh cũng có thực tế để cho câu chuyện được bắt đầu. Nghe anh nói tưởng như cả một pho Bách khoa toàn thư đang lên tiếng. Anh không chỉ kể lại mà còn lồng ghép thêm những cảm nhận của riêng mình trước các sự vật, hiện tượng. Đôi khi tôi và anh đang cùng trò chuyện về một cái gì đó, cũng có lúc anh dừng lại hỏi: Ông thấy thế nào?
 Nghe các câu chuyện anh kể, tôi rút ra được rất nhiều điều bổ ích. Tôi có cảm giác anh biết làm chủ và điều khiển được vốn tri thức khá dày dặn của mình. Trong những bối cảnh cụ thể nào đó tôi thấy anh chỉ im lặng ngồi nghe.
Học được cách im lặng của anh cũng không dễ chút nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét