Tôi chỉ ở gần ông có hai năm, nhưng
thực sự rất có ấn tượng. Ông đi nhiều, biết lắm, kể chuyện hấp dẫn sôi nổi, đặc
biệt là óc hài hước
Ông về nhà năm 1965. Năm ấy ông bị hồi
hương do gia đình dính vào địa chủ mà thế nào ông lại lọt lưới vào học đại học.
Còn một lý do cũng đáng để ông phải về nữa là có một ông anh trốn vào Nam năm
1954 và một ông anh bị đi tù năm 1963.
Thấy ông về lũ trẻ con chúng tôi vui
vì được tăng thêm sức mạnh. Ông to khỏe, vạm vỡ, làm cái gì cũng nhẹ như không.
Chả biết phải về như vậy ông có chán đời không nhưng bên ngoài vẫn cứ thấy ông
cười, cái cười to vang thoải mái.
Thích nhất là buổi chiều mấy chú cháu
ra sông đi tắm. Nước thủy triều lên, trong mát và sạch. Ông bơi sang bên kia
sông rồi bơi về để chúng tôi bám theo. Cái cảnh ấy giống như con trâu và mấy
con nghé.
Tôi mới học lớp 4 chưa hiểu biết bao
nhiêu nhưng ông đã giảng giải cho tôi về Kinh tuyến, Vĩ tuyến, về các miền đất
lạ trên hành tinh. Nhớ nhất là các chuyện đi rừng với Đoàn thăm dò địa chất của
ông, các tập tục lạ lùng của đồng bào dân tộc thiểu số. Giọng ông vừa trầm hùng vừa ma quái đã cuốn hút lũ chúng
tôi.
Vậy là học xong Đại học Bách khoa
ngành Mỏ năm 1963, ông chỉ hành nghề được có 2 năm thì bị triệt hồi.
Về quê ông tập làm nông và chăm nom
cha mẹ già. Cách làm nông của ông cũng khác người. Ở quê tôi, lần đầu tiên ông
gieo hạt giống rau bắp cải, xu hào và thu được thành công. Lần đầu tiên ông đi
mua ngỗng về nuôi và cũng thành công. Ông còn đào một cái ao dự định nuôi lươn
và ếch.
Đến nhà ông, khách sẽ phải ngạc nhiên
về một anh nông dân quê mùa mà đã đọc sách “Những người khốn khổ”, “Truyện ngắn
Sê-khốp”… Ông có một tủ sách nhỏ nhưng cũng phải hàng mấy trăm cuốn. Lúc ấy
chúng tôi còn bé, không đáng để ông chia sẻ nội dung những sách đó. Rất tiếc
sau trận bom năm 1967, nó đã bị phá hủy tan tành.
Ông có một chiếc kèn ac-mô-ni-ca được
cất kỹ trong hộp, thỉnh thoảng lại lấy ra thổi. Đầu xuân Bính Ngọ (1966), Hợp
tác xã tổ chức đêm vui văn nghệ ở ngoài đình, ông đã lên sân khấu độc tấu bản
“Trường ca Tây Nguyên” được bà con vỗ tay nhiệt liệt. Họ còn đòi diễn lại. Sau
đấy ông độc tấu tiếp bài “Vì nhân dân quên mình”.
Mặc dù vui nhộn như vậy nhưng ông
cũng khá trực tính.
Có một lần, một vị áng chừng là cán bộ
vào nhà tôi hỏi cha tôi có bán ngỗng không. Cha tôi nói giá cả của các loại ngỗng
trong nhà. Lão ta lên mặt dạy đạo đức rằng:
thiếu tinh thần phục vụ nhân dân, nặng về kinh doanh thu lợi nhuận… Cha tôi nhẫn
nhục cho qua vì ngại va chạm với cán bộ phiền hà.
Khi gã kia đi khỏi thì ông Huỳnh
sang. Biết chuyện, ông tức điên lên:
- Sao
anh không sang gọi em. Không thể để cái thói hống hách như thế được.
Cha tôi chỉ cười và gàn ông. Ông mới
về nên chưa thể hiểu được thực trạng của quê nhà lúc đó.
Ngày 20 tháng Tư năm Đinh Mùi (1967)
ông bị bom vùi và mất khi mới 33 tuổi. Lúc ấy vợ ông vừa có thai được 3 tháng.
Nay Đặng Thịnh Phong, con trai ông đang
cùng cả gia đình làm ăn và định cư tại Tây Nguyên.
Anh Kích ơi, em đính chính nè. Chú Huỳnh sinh năm 36, vậy nên khi mất chú 31-32 tuổi, tùy theo cách tính. Em lúc nào cũng nghĩ về chú thật trẻ trung, vì chú mất trẻ quá, anh gọi chú là ông làm em thấy chú bỗng trở nên già hơn nhiều.
Trả lờiXóa