NHỮNG NGƯỜI CÂM TÔI BIẾT
Họ là những người khuyết tật về tiếng nói (Phần nhiều do bị điếc
bẩm sinh nên bị câm).
Những người câm thường có những mặt vượt lên hơn người bình
thường do phải nỗ lực nhiều hơn so với đồng loại. Có người tạo dựng được cuộc
sống khá sung túc.
Quê tôi có một người câm điếc từ nhỏ, cái khuyết tật của ông
được gắn luôn cho cái tên: Ông Đồng câm. Chỉ nhìn ngoại hình không ai biết ông
là người câm. Cao ráo, khỏe mạnh và trông rất nam tính. Thời thanh niên ông
cũng ăn diện như mọi trai làng khác. Ngày lễ tết ông vận áo sơ-mi trắng xơ-vin
cẩn thận, tóc rẽ bồng ngôi điệu bộ, chân đi dép xăng đan. Ông cũng thích con
gái đẹp, lúc nhỏ chúng tôi cứ chỉ vào các cô đó để trêu ông, ông lại cười tít
cả mắt. Tuy nhiên các cô không hiểu hết được ngôn ngữ của ông nên chỉ đùa đùa
tý rồi lảng. Sau này cũng có người cảm mến ông mà lấy, ấy là người có hoàn cảnh
nhỡ nhàng. Ông là người sống rất tình cảm, biết cư xử với vợ con và nói chung
biết điều trong mọi lẽ ứng xử.
Ông thạo nhiều việc, toàn những việc đòi hỏi phải có kỹ năng tỷ
mỉ như: đóng cối xay, cắt tóc, thợ mộc, thợ xây…. Chỉ chuyên chú cho công việc
nên ông không bao giờ làm ẩu, làm cho xong chuyện.
Có lần nhà tôi sửa cái bếp, mời ông giúp. Ông ra hiệu nên tận
dụng lại các cánh cửa cũ vì gỗ đang tốt. Bà vợ đánh hồ chưa kỹ ông bắt làm lại
cho kỳ được.
Ông có hẳn một hệ thống tín hiệu riêng rất độc đáo, đa dạng, hầu
như chỉ có vợ con hiểu. Muốn nói về người con trai, ông lấy tay gạt tóc (ý là
cắt tóc). Muốn nói về con gái ông vành tròn trên đầu (vì các bà thường hay vấn
tóc)…. Còn những khái niệm khác trừu tượng hơn thì vợ con ông dịch hộ.
Ông thật thà, chắn vén nên ai cũng mến, nhờ ông làm cái gì là
yên tâm để ông tự làm không cần phải đôn đốc. Chỉ có điều hiểu được ý của ông
rất khó. Mỗi lần như vậy ông phải gồng mình lên giải thích vô cùng nhọc nhằn:
miệng ú ớ mu mơ, mắt mũi nhăn nhúm, tay chân thì khua khoắng làm các động tác
diễn tả. Ông toát hết cả mồ hôi mà vẫn không ai hiểu được, đành bất lực ngồi
châm thuốc lào hút.
Tôi còn biết một cậu bé câm khác ở gần nhà. Nó nhanh ý nên nhìn
người khác làm mà bắt chước rất tài. Máy vi tính khó thế mà nó học mót làm được
khối việc. Còn ti-vi, điện thoại thì khỏi phải nói, chỉnh chọt gì nó bấm nhoay
nhoáy. Bố nó cho đi học may để có thể kiếm cơm nuôi thân sau này. Thày dạy may
khen nó học sáng dạ, lại chuyên cần. Chẳng mấy chốc tay nghề của nó đã vào loại
khá.
Cũng ở làng bên có cậu thanh niên rất to cao, đẹp trai nhưng bị
câm. Học hết cấp 1 cậu ta chán và thôi học. Mẹ cậu xin cho cậu đi học nghề hàn
cửa sắt. Nay cậu đã làm thành thục và có đẳng cấp. Chủ mến cậu về phong cách
chấp hành giờ giấc nghiêm chỉnh, bất kể nắng, mưa, giá rét. Đến xưởng cậu mang
đồ nghề ra làm ngay, không kề cà, trà nước như những anh khác.
Mẹ cậu bảo hàng tháng lĩnh lương chỉ giữ lại dăm trăm còn bao
nhiêu đưa cho mẹ để sau cưới vợ, làm nhà. Về khoản vợ con nghe nói cậu cũng kén
lắm. Chỉ thích những cô nàng xinh tươi, vậy nên rất nhiều cô vây quanh nhưng
cậu vẫn chưa chịu chấm ai.
Ông bạn tôi cũng không may có đứa con gái bị câm điếc từ nhỏ. Bà
vợ ông khi có thai do sốt cao nên biến chứng đã ảnh hưởng tới thai nhi. Con bé
khá xinh xắn lại ngoan ngoãn. Nó lẽo đẽo theo học hết cấp 1 rồi lên cấp 2, chữ
viết đằng tả, ngay ngắn, rõ ràng. Lên các lớp cao hơn nữa nó đuối sức, có lẽ
chả hiểu gì nên chán và thôi học. Ở nhà mọi việc nó lo toan chu tất. Từ việc
chợ búa cho tới cơm nước không phải xắng nó cũng chủ động đâu ra đấy.
Vậy là bù vào khiếm khuyết của tiếng nói, những người câm đã
vươn lên vượt trội so với nhiều người lành lặn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét