Tôi
vào cấp 3 đúng giữa lúc toàn miền Bắc, các trường Trung học, Đại học đều học
ngoại ngữ là Trung Văn. Trong tất cả các môn thì chỉ có môn Trung Văn là gây
kinh hoàng cho lũ học trò nhất. Đến nỗi chúng tôi gọi đó là giờ “học vẽ”, tới
lớp gò cổ, méo mồm, trợn mắt để vẽ chữ.
Ông nội tôi đã từng học 10 năm chữ Hán và đã
lều chõng thi Hương. Vì thế không biết có phải do nghiệp nhà hay không mà tôi lại
học được cái môn học có tiếng là khó nhằn này. Tôi viết đi viết lại mấy lần là
thuộc mặt chữ. Đến nỗi được thầy cử làm cán sự bộ môn.
Đến giờ Trung Văn, thầy bước vào lớp, cả lớp
đứng dậy nghiêm trang và đồng thanh hô:
- Lảo
sư hảo (Chào thầy giáo)
Thầy chào lại cả lớp
bằng câu:
- Thúng
xuế mấn hảo. Xỉn chua (Chào các học trò. Mời ngồi)
Sau đó là bài hát cả lớp cùng đồng ca để mở
màn cho tiết học. Bài ấy có tên là “Đông phương hồng” ca ngợi vị lãnh tụ Trung
Quốc là Mao Trạch Đông. Bài hát tiếng Trung ấy tôi chỉ nhớ
mang máng giai điệu. Hôm nọ gặp lại đứa bạn, trong lúc uống rượu phê phê hắn
hát bài ấy để ôn lại kỷ niệm xưa, thành ra nhớ được thêm, tôi ký âm như sau đây:
"Tung
pháng hùng, thai dảng sâng.
Trung
hoa sú lơ cưa Mao Chửa Tung.
Tha
uây rần ming mầu xíng phu, hú ơ huầy eo
Tha
sứ rân mìng ta chiu xìng….”
Đại ý nội dung là tâng bốc lãnh tụ của họ như
mặt trời mọc, như vị thánh cứu tinh cho dân tộc (!)
Thầy dạy Trung Văn chúng tôi năm lớp 8 là thầy
Dật, râu quai nón, mắt xanh xanh trông dáng dấp như Tây. Thầy nói về phương
pháp học ngoại ngữ như thế nào, kết hợp nghe, nói, đọc, viết ra sao. Thầy dạy
cách viết phải theo thứ tự: trên trước dưới sau, trái trước phải sau, trong trước
ngoài sau. Cuối cùng thầy bảo phải kiên trì chăm chỉ, ngày nào cũng phải học một
ít. Nhớ nhất là bài thơ của thầy phỏng “Nhật ký trong tù”:
“Trung Văn ta vốn rất ham
Nhưng từ không thuộc biết làm sao đây
Ngồi buồn giở vở viết ngay
Mỗi giờ một chữ, mỗi ngày một trang”.
Năm lớp 9 tôi lại học với thầy Nguyễn (tên và
họ của thầy giống nhau). Thầy rất vui tính và nhiều chuyện vặt kể nghe rất hấp
dẫn. Chữ Trung Quốc tượng hình nên khi dạy chúng tôi phần từ ngữ thầy thường mô
tả chiết tự cho dễ hiểu. Ví dụ:
“Chim chích mà đậu cành tre
Thập trên, tứ dưới, nhất đè chữ tâm”
Ấy là nói về chữ ĐỨC bao hàm có các bộ chích,
bộ thập, bộ tứ và bộ tâm hợp thành.
Hoặc là:
Đàn bà có một mái nhà
Không lo bão gió, thật là an tâm
Đây là chiết tự chữ AN gồm có bộ nữ ở dưới và
bên trên có bộ “miên” hay còn gọi là mái nhà.
Chữ Tù gồm có bộ Nhân (người) nằm bên trong bộ
Khuông (cái khung).
Lại nhớ tiết học hôm ấy còn nhiều thời gian,
chúng tôi tranh thủ hỏi thầy tên của mình trong tiếng Tầu viết thế nào. Vẽ được
tên của mình chúng tôi khoái lắm. Chỉ có một bạn tên là Vũ Tiến Rửng thầy phải
lục Từ điển Hoa Việt mà tra mãi vẫn không ra.
Đến năm lớp 10 là năm cuối cấp 3, do thiếu thầy
nên chúng tôi thôi không học môn Trung Văn nữa. Hôm tập trung khối 10 nghe trường
thông báo tin này, cả khối vỗ tay reo hò như bóng vào lưới ở trận chung kết.
Từ đấy không có điều kiện học Trung Văn, thời
gian dần dần đã làm phai nhạt nên tôi chẳng còn nhớ được bao nhiêu. Nhìn vào
các hoành phi, câu đối ở đình chùa chỉ lõm bõm nhớ được vài ba chữ.
Kể ra biết được chữ Hán cũng tốt vì văn tự cổ
của ông cha ta đều là chữ Hán. Mãi đến thế kỷ 17, khi Giáo sĩ A-lếc-xăng-đờ-Rốt
người Bồ Đào Nha sang nước ta truyền đạo Thiên chúa thì chữ Quốc ngữ mới hình
thành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét