Đưa tiễn một người từ giã cõi trần về chốn
thiên thu, ta mang theo cảm giác tiếc thương, ấy là lẽ thường của nhân thế trên
khắp hành tinh này.
Nhưng đôi khi cũng có những bất thường mà
cách đây ít lâu tôi có dịp chứng kiến.
Anh bị bệnh xơ gan cấp, phải đưa đi Hà Nội điều
trị khá tốn kém. Trước đây cậy sức khỏe hơn người anh uống rượu không cần phải
kiêng dè. Vợ anh có nhắc nhở về chuyện ấy là bị anh trấn áp ngay. Vào cái tuổi
ngoại ngũ tuần rồi, bệnh mới vãi ra. Tuy nhiên cũng do khỏe sức mà anh chỉ nằm
viện có vài tháng là khỏi. Thoạt đầu về nhà anh kiêng rượu, bạn bè bảo: cũng phải
biết sợ chết chứ. Trong các cuộc giao lưu anh từ chối với lý do đang dùng thuốc.
Nhưng rồi cái con ma rượu nó chẳng tha anh.
Chỉ độ nửa năm sau, anh lại phong độ như xưa, thậm chí còn hơn. Vợ con ngăn,
anh chửi. Bạn bè tử tế khuyên can, anh bỏ ngoài
tai. Đình đám nhiều, rượu bia lắm anh bị lại. Lần này thì tốn kém, vất vả hơn
nhưng bác sỹ cũng đành lắc đầu ngao ngán. To khỏe
như thế nhưng khi chúng tôi đến thăm, anh tong teo như con chẫu chuộc. Chân tay
nhỏ, bụng chương ễnh, da bủng beo. Anh suy sụp hẳn về tinh thần, rất ân hận về
cái sự ẩm thực bừa bãi thời hoàng kim của mình.
Nơi tôi ở có một ông cụ bị tai biến não nằm
liệt giường mấy năm nay. Khi mới bị, gia đình cũng đưa xuống bệnh viện huyện,
đơ đỡ mới đưa về nhà. Con đông nhưng kinh tế chúng cũng hèn kém cả, làm không đủ
ăn, lấy đâu ra mà chu cấp cho cha mẹ. Ban đầu còn có chạy đi chạy lại, dần dần
mỏi mệt chán. Thành ra chỉ còn mỗi bà cụ lo hầu hạ là chính. Đến lúc bà cụ cũng
oải, đành mặc kệ muốn ra sao thì ra.
Phụng dưỡng thiếu thốn, thuốc men không có, vệ
sinh qua loa nên vào chỗ ông cụ nằm, hôi hám không thể tưởng tượng được. Đứa
con gái bị dân làng nói rát mặt quá, chống chế: ngày nào tôi chả sang dọn,
nhưng ông bị như vậy thì làm sao được.
Khi cụ về với tiên tổ, nghi lễ cũng làm theo
thông lệ như mọi nhà. Nhưng trong phần Điếu văn tôi vẫn thấy có đoạn: “Các y,
bác sỹ đã tận tình cứu chữa. Anh em, con cháu đã ngày đêm hết lòng, hết sức
chăm nom thuốc thang….” Nhiều người tới dự đã khịt mũi cảm thấy cái bài ấy như
mượn ở đâu về.
Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận, an ủi để cho
hương hồn người quá cố ra đi được mát mẻ nơi cực lạc mà nói những lời hoa mỹ,
khêu gợi cái sự xót thương của thân nhân cũng như cộng đồng.
Lại cũng có những cái chết mà ngay đến người
thân cũng không cảm thấy đau buồn huống chi làng xóm. Ấy là một trường hợp xảy
ra ở quê tôi. Tay này rượu chè, trộm cắp, gây gổ… đủ thứ xấu
trên đời. Cô vợ sinh ra chỉ để cho hắn hành hạ, đánh đập như súc vật. Đầu tắt mặt
tối đi làm thuê, làm mướn nhưng được đồng nào là hắn ta lục túi để dốc vào chai
rượu.
Thế rồi trong một lần cãi vã, xô xát với láng
giềng hắn bị ngã và chết. Vợ con hắn cũng khóc hờ mấy câu cho có nghĩa, cho vong
hồn hắn đỡ bớt phần cô quạnh.
Thế đấy, chuyện đời có những khi buồn thảm vậy đấy. Tôi lại nhớ đến một
lời bình khi quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Ông đã để lại cho chúng ta một
bài học rằng hãy sống thế nào để đến khi chết còn được hậu thế tiếc thương”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét