Trang

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

CỐ TẬT CÁI MIỆNG

    Chuyện này nhỏ, đúng là rất lẩm cẩm vụn vặt, không đáng nói. Bọn trẻ chúng bảo: “Chuyện nhỏ như con thỏ”. Nhưng thôi, nói ra để cười và ai đó bỏ được thì cũng tốt.
    Hội nghị Tổng kết giáo dục thường niên của ngành, mời đại biểu huyện về dự. Và dĩ nhiên gần cuối sẽ có bài phát biểu quan trọng của đại biểu cấp trên. Sẽ chẳng có gì phải kể ra nếu như không có một cố tật của bác đại biểu nọ.
Đến phát biểu ở bất cứ hội nghị nào bác cũng có thói quen dùng cụm từ: “Đứng trên mặt……. mà nói….”.
    Tại Hội nghị của Ngành Giáo dục bác đã lên đăng đàn một bài khá dài. Đại loại là: “Đứng trên mặt quan điểm lập trường mà nói….”
                         “Đứng trên mặt kinh tế mà nói….”
                         “Đứng trên mặt văn hóa mà nói….”
                            ……………
      Những đến cái đoạn này thì các quan khách, các thầy cô ai ai ngồi dưới cũng phải sởn hết cả gai ốc:
                      “Đứng trên mặt giáo viên mà nói….”
     Dường như bác nói vậy nó thành quen nên vẫn cứ thấy bác tiếp tục thản nhiên, chả có phản ứng gì.
      Tôi cũng chơi với một anh bạn có thói quen hay dùng một cụm từ: “Coi như là…”. Không hiểu sao anh cũng là một giáo viên dạy môn Văn, chẳng biết khi lên bục giảng anh có cách nào để chế ngự được thói quen ấy. Mỗi khi anh nói một vấn đề gì thì y như rằng cái “Coi như là” kia được độn xen vào làm nhân cho câu chuyện khiến người nghe vô cùng sốt ruột. Chúng tôi hay trêu đùa anh: “Thôi ông ơi! COI NHƯ LÀ thế thôi. Ông vào chủ đề chính đi”. Mỗi lần vậy anh có vẻ mất hứng, nhưng cũng đơ đỡ được một lúc. Sau quên đi câu chuyện lại đâu vào đấy.
      Lại có một anh khác, thông minh, tháo vát, hoạt bát, vui tính và rất hay tếu. Chuyện gì và ở đâu anh ta cũng tường tận như ma xó. Chúng tôi coi anh như là một Thông tấn xã Vỉa hè. Ai bàn cái gì anh cũng tham gia chém gió sôi nổi. Nhưng anh cũng có một cái cố tật là nghe câu chuyện người khác trình bày, anh luôn giữ nhịp bằng cụm từ: “Chính xác”.
     Hễ người kể vừa dừng một tý anh tức khắc đệm luôn: “Chính xác”. Nếu chỉ là một vài lần lặp lại thì không sao nhưng tần số dày quá, thành ra rất chi là buồn cười.
      Chúng tôi đặt luôn biệt danh cho anh là CHÍNH XÁC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét