Chợ tình Sa Pa của người Mông có
khá lâu rồi. Từ các bản làng xa, nam nữ hẹn nhau đến chợ phiên rồi tối hôm đó ở
lại giao lưu thổi khèn, xòe ô, hát đối đáp giao duyên… Nghe người ta kể lại rằng
chợ tình khi xưa trong sáng và đẹp đẽ lắm bởi bản tính của người Mông vốn thật
thà, tốt bụng. Nhiều đôi đã nên vợ chồng sau những phiên chợ đó, vì tiếng khèn
mời gọi của bạn tình. Người dưới xuôi đôi khi hiểu theo một cách khác, hơi trần
tục, thô thiển và đi xem chợ tình một cách tò mò, hiếu kỳ. Du lịch phát triển,
chợ tình có nhiều người đến và biến thành một món đồ thương mại rẻ tiền.
Chúng
tôi đến lúc ấy khoảng 8 giờ tối. Sân bê tông trước nhà thờ khá đông khách, có
nhiều du khách nước ngoài. Từng tốp, từng tốp trai gái người Mông đang say sưa
thổi khèn, múa ô. Người con trai vừa múa, vừa nhảy, có lúc lăn tròn dưới đất,
dốc ngược khèn lên trời. Người con gái nhún nhảy quanh người nam vừa che, vừa
xoay ô. Mỗi lần múa như vậy chừng dăm, mươi phút thì họ dừng lại và chào các du
khách xúm quanh đang vỗ tay cổ vũ. Nhiều người cho tiền, chụp ảnh và yêu cầu
múa tiếp. Có những người có sở thích oái oăm cứ bắt đôi trai gái phải hôn nhau
để chụp một kiểu ảnh. Họ lắc đầu không chịu.
Chúng
tôi gọi một đôi trông chừng nhỏ nhất hội ra ngoài phỏng vấn:
- Em bao tuổi rồi?
Cậu trả lời bằng thứ tiếng Kinh
ngòng ngọng, dơ dớ:
- Em mười lăm
- Thế còn em gái?
- Nó mười bốn
- Em học lớp mấy rồi?
- Lớp 6.
- Các em cùng bản hay mới biết nhau?
- Nó thôi học rồi. Yêu nhau mà chưa cưới đâu. Ba năm
nữa đủ tuổi.
- Nhà có xa đây không?
- Bảy cây. Đến đêm đi bộ về.
- Đi múa hát thế này có được nhiều tiền không?
- Hôm nhiều được một trăm.
- Của ai người ấy giữ hay sao?
Lúc này mới thấy cô bé đáp lời:
Lúc này mới thấy cô bé đáp lời:
- Đưa cả cho nó rồi về đếm chia
Chúng tôi cho bọn nó mấy đồng,
chụp ảnh lưu niệm. Tôi mượn cậu trai cái khèn và thổi thử. Chỉ nghe thấy những
âm thanh man man, hoang dã: tò te, te te, tò tò… Anh bạn đi cùng bảo đấy là: “Tao
ưng mày, mày có lấy tao không”
Kể ra chợ tình Sa-pa được tổ chức
tốt hơn, văn hóa hơn, người Mông không phải bươn chải tìm nguồn sống thì du
khách đến đây có thêm cảm tình với một Sa-pa đầy quyến rũ, mộng mơ.
Thao thức trên chuyến tàu xuôi Hà
Nội tôi làm bài thơ “Chợ tình”:
Háo hức đi xem họp chợ tình
Trăng mờ nhấp nhoáng, cảnh lung linh
Khèn ai dìu dặt, buông lời ngọc
Ô nọ chung chiêng, nhịp bước xinh
Mua bán lương tâm dăm cắc bạc
Đổi trao tình cảm mấy đồng trinh
Hỡi người bạn hữu cho ta nhắn
Năm tới lại lên nhớ gọi mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét