“Tuổi
đôi mươi trái tim đầy khát vọng
Xếp
ba-lô mọi mơ ước dịu hiền
Mọi
hoài bão tương lai đang ấp ủ
Để
mai này đất nước được bình yên…”
Đây
là mấy câu thơ tôi làm, đề lên bức ảnh thời chiến binh trai trẻ của anh rể tôi,
anh Mạc Văn Tú.
Năm
1965, học xong cấp 3, anh đi bộ đội rồi vào chiến trường miền nam. Những năm
68, 69 anh đóng quân ở Quân khu 5 thuộc tỉnh Quảng Nam. Bộ đội ta ở trên rừng
những năm ấy đói lắm, đêm đêm phải xuống đồng bằng lấy gạo từ trong dân. Nếu
trúng ổ mai phục của địch hoặc bị pháo kích là có thể chết hoặc bị thương.
Năm
1970 anh bị thương trong một tình huống như vậy, được sơ cứu và đưa ra bắc ở
Quân Y viện 103. Một viên đạn găm vào phổi sát động mạch chủ, bác sỹ không dám
gắp ra vì có thể nguy cấp khi phẫu thuật. Sau này mỡ đã bọc kín và do sức khỏe
tốt mà anh cũng thấy không đau đớn gì.
Sau
năm 1975, anh vẫn ở lại phục vụ lâu dài trong quân đội. Hồi đánh Tàu anh còn phải
điều ra biên giới. Khoảng 1983 anh về nghỉ chế độ bệnh binh tại quê nhà.
Do sức khỏe khá tốt mà khi xuất viện anh cũng
chẳng để tâm lưu giữ các giấy tờ bệnh án làm gì. Sau này, làm chế độ thương tật
các cơ quan hữu trách đòi hồ sơ, anh thấy phiền toái quá nên thôi.
Về
già, vết thương trở chứng tái phát, lại thấy có nhiều người thương tích nhẹ hơn
mình cũng được chế độ, anh mới lên hỏi các thủ tục giám định lại. Rồi cuối cùng
cũng vượt được qua các cửa ải, mà bằng chứng hùng hồn nhất là cái đầu đạn đang
nằm trong lồng ngực.
Năm
1972, cuối cấp 3 tôi đi trọ học cách nhà 6 km. Đói quá đến nỗi phải ăn cháo, ăn
độn kéo dài. Bỗng nhiên, anh ở chiến trường về phép mang cho 50kg tem phiếu cấp
cứu để có cái ăn ôn thi tốt nghiệp.
Tết
năm 1972, tôi lên chỗ anh đóng quân ở thị trấn Sao Đỏ. Lần đầu tiên đến chỗ bộ
đội và ăn tết tại đó. Có bánh chưng, có thịt lợn, chén tha hồ so với ở nhà.
Về
nghỉ chế độ nhưng anh đâu có chịu nghỉ. Phần vì con đông, lương thấp; phần thì
anh là con người vốn ham hoạt động. Những năm 80 anh mở lò xay đậu phụ, thu nhập
chẳng đáng là bao nhưng có thêm phụ phẩm chăn nuôi. Những năm 90 anh tham gia
ban quản lý chợ, phải dậy từ 3-4 giờ sáng, bất kể mùa đông hay mùa hè. Đến nỗi
bây giờ cứ tầm đó là anh không ngủ được, dậy tập thể dục và dọn dẹp nhà cửa…
Địa
phương giao cho anh làm Bí thư chi bộ xóm, anh tham gia một cách tận tụy, mẫn
cán. Có lẽ tính anh được nhiều người ưa: nói năng thì nhỏ nhẹ, khiêm nhường;
làm việc thì cặn kẽ, cẩn thận.
Không
khi nào thấy anh thể hiện cái sự cáu kỉnh, khó chịu kể cả nhiều lúc rất bực muốn
văng tục một cái.
Bây
giờ thì anh tuổi đã cao và có thể thư nhàn. Các con làm cho anh chị một ngôi
nhà hai tầng khang trang thay cho cái nhà cấp 4 cũ nát. Hai cô con gái định cư ở
Úc vừa mới mời bố mẹ sang chơi một tháng. Cũng đi du ngoạn khắp đó đây nhưng có
lẽ không hợp với cái tạng thích tĩnh tại cũng như môi trường sống của anh.
Như ai đó nói: Trời chẳng lấy hết đi của ai cái gì. Những cái mất của
anh đã được đền bù xứng đáng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét