Xã hội
loài người phát triển đến như ngày nay một phần là nhờ có các đám cưới. Thời xa
xưa chả biết thế nào, nhưng từ khi lớn lên, được đi dự các đám cưới thì thấy
bây giờ đã khác nhiều so với trước.
Bài này
tôi chỉ nói về việc chuẩn bị cho đám cưới hồi bao cấp, khoảng đầu những năm 60
cho đến cuối những năm 80.
Công việc
phải lao tâm, khổ tứ trước hết là kiếm cho được người có hoa tay để trang trí,
cắt khẩu hiệu. Không thể thiếu hai câu chăng ngang bên hông, thường chữ vàng
trên nền đỏ: “Thuận vợ thuận chồng, bể Đông tát cạn” và “Vui duyên mới không
quên nhiệm vụ mới”. Rồi còn: “Hạnh phúc non
sông, hạnh phúc nhà. Thắm tình tổ quốc, đẹp tình ta”. Trên phông chính mặt
tiền, dứt khoát phải có đôi chim cu cu màu trắng mềm mại, đang gù nhau. Hình quả
tim lớn trong đó chữ lồng tên của 2 anh chị được uốn éo, lồng ghép vô cùng cầu
kỳ, phức tạp.
Hoa
tươi thì chỉ cần đơn giản đúng tinh thần “cây nhà lá vườn”, sưu tầm quanh xóm
những mẫu đơn, râm bụt, mào gà…. thế là được.
Còn cái
việc đòi hỏi lao động cơ bắp nặng nhọc là đi mượn đồ làm rạp và khuân bàn ghế.
Thường trong làng nhà nào có luồng tre chuẩn bị làm nhà thì đến mượn. Bên trên
là cót, liếp, xung quanh là các tấm ri-đô hoặc vỏ chăn đủ các màu hoa, xanh,
vàng, gụ…. Bàn ghế đi mượn khắp cả làng, cái nào nhẹ còn đỡ chứ vớ phải bộ
tràng kỷ bằng lim thì… Ôi thôi! Có anh đi vác bàn ghế nặng quá nó cứ lẩm bẩm:
“Sướng mày, khổ tao”
Nhìn vào hội trường ghế bàn cái cao, cái thấp
rất lởm khởm, mượn mang về lại phải sắp đi sắp lại sao cho coi được.
Thời ấy
đi đám cưới chưa có tục mang phong bì như bây giờ. Nếu anh em ruột thịt thì
giúp gạo, thực phẩm và tiền. Còn phổ biến là tặng phẩm bằng hiện vật như khăn mặt,
tã lót, chậu thau, phích nước, ấm chén… Có thể đến mừng mấy câu thơ cũng không
sao. Hồi tôi làm đám cưới, có người mừng 2 bánh pháo Bình Đà, coi như một món
quà độc đáo được dùng ngay khi đoàn rước dâu về đến cổng.
Trang
phục của cô dâu, chú rể rất đơn sơ, chỉ tươm tất hơn mọi người một chút. Cô dâu
quần lụa, áo phin trắng, chân đi một đôi guốc đẹp bán ở chợ. Chú rể xơ-vin, dép
lốp 4 quai, đầu tóc cắt gọn gàng, chải rẽ ngôi bóng mượt.
Rất nhiều
chú rể là bộ đội nên dùng quân phục luôn với đầy đủ quân hàm, quân hiệu. Nhiều
chú rất lấy làm hãnh diện vì cái lon nhiều sao của mình. Thi thoảng còn thấy có
chú rể đeo lủng lẳng bên hông khẩu súng lục (chúng tôi cứ gọi là cái đùi gà)
Việc rước
dâu thời đó cũng dân dã, chủ yếu đi bộ, vài chục cây số cũng đi bộ. Xe đạp sau
này thịnh hành thì chọn một cái tốt để chú rể lai cô dâu, phòng có khi xịt lốp.
Trầu
cau và thuốc lá phải chuẩn bị khá nhiều. Trầu xanh têm, cau tươi bổ đẹp được
người nhà mang đi khắp xóm mời, không dùng Thiếp như bây giờ. Còn thuốc lá thì
nhiều vô kể. Những Sầm Sơn, Chu Lai, Cẩm Lệ rồi sau này là Bông Sen. Ai đến đám
cưới cũng hút thuốc, phun khói mù mịt. Những nhà không có điều kiện thì mua sợi
về quấn điếu rời, bày ra đĩa mời khách.
Cỗ bàn
hồi ấy không nặng nề lắm vì nhà ai cũng khó khăn cả. Chỉ có anh em con cháu là
tổ chức ăn còn phần lớn bà con chỉ đến chè nước, trầu thuốc.
Nói tóm
lại việc lo đám cưới lúc ấy đỡ hơn bây giờ. Đơn giản nhưng cũng vui, ai cũng hồ
hởi giúp nhau hết mình.
Để thể
hiện sự trang trọng và quang minh chính đại, chủ nhà phải mời cho được ông cán
bộ địa phương ở xã hoặc xóm.
Em-xi
đám cưới chỉ là một anh biết ăn nói lưu loát để giới thiệu chương trình, giới
thiệu các vị đại biểu thay mặt chính quyền, đại diện của hai họ. Loa đài không
có, nói vo là chính. Sau này có loa đài và ác-quy nhưng chỉ có loa nén, nghe
cũng ậm ọe.
Hồi đấy chúng tôi hay đọc bài đồng dao:
“Kính
thưa quan viên hai họ
Kính
thưa cái lọ lộc bình
Kính
thưa bàn ghế linh tinh…”
Dâu về
đến đầu ngõ, một tràng pháo đì đẹt nổ vang lên, khói mù trời, xác pháo đỏ tả
tơi trên mặt đất. Bọn con nít đổ xô vào nhặt pháo tịt. Người lớn tập trung ra
ngõ đón đoàn và chen nhau xem mặt cô dâu.
Sau khi
ổn định, mời mọi người trầu nước, mục đầu tiên và gần như bắt buộc là giới thiệu
vị đại diện chính quyền đọc Đăng ký kết hôn cho bàn dân thiên hạ nghe. Vị đó
tay giơ cao tờ giấy có đóng dấu đỏ như để mọi người cùng mục kích, sau đó hắng
giọng đọc to, chậm rãi và dõng dạc. Tôi chỉ nhớ đại khái mấy câu:
“Được sự
đồng ý của hai gia đình. Được sự nhất trí của Ủy ban hành chính xã. Quyết định
kể từ ngày…. anh….. kết hôn cùng chị…..”
Trong
chương trình thể nào cũng có mục dặn dò, huấn thị và giới thiệu chú rể lên phát
biểu cảm tưởng. Thường là bối rối các chú rể chỉ lí nhí được vài chữ trong
không khí ồn ào, nhộn nhạo. Nhớ nhất là có một chú rể được mời lên nói. Mới được
có cái mào đầu: “Kính thưa quan viên hai họ…” thì mặt chú đỏ bừng, đỏ tía và
sau đó co cẳng chạy tuông ra khỏi rạp làm mọi người ngỡ ngàng, cười lăn cười bò.
Một phần
không thể bỏ qua là Em-xi công bố các loại tặng phẩm đang xếp từng chồng trên
bàn, của ai viết tên người nấy. “Ông Nguyễn Văn A. tặng 1 bộ tã lót rất đẹp” ,
“Bà Lê Thị B. tặng 1 cái xoong nấu bột xinh xinh”…. Mỗi lần đọc xong bên dưới lại
một tràng pháo tay chúc mừng. Nói thế nhưng không phải quá nhiều tặng phẩm, vì
như đã nói ở bài trước không nhất thiết ai đến cũng phải có. Tôi biết có cụ
giáo già, hễ trong làng có đám cưới là cụ tặng mấy câu thơ được viết và trình
bày nắn nót trên một tờ giấy màu.
Vui nhất,
rôm rả nhất là các tiết mục văn nghệ, cây nhà lá vườn. Thôi thì tuồng chèo,
ngâm thơ, hát mới… không cần nhạc đệm. Khán giả nín thở để nghe, để vỗ tay cổ
vũ sau mỗi tiết mục.
Thời
đó, người ta quan niệm con gái đi lấy chồng thì mặt phải buồn thiu, rầu rĩ mới
đúng cách. Vậy nên cô nào mắt cũng đỏ hoe trước khi theo đoàn đưa dâu về nhà chồng.
Có cô một tay cứ bám chặt lấy cái cửa buồng, phải gỡ và dỗ mãi mới chịu. Khi ở
đám, cô dâu không được cười, phải luôn giữ bộ mặt đăm chiêu, ủ ê. Chẳng may cô
nào quên điều này thì làng xóm tha hồ mà đàm tiếu rằng: “Hớn ha hớn hở, rõ vô
ý, vô duyên…”
Cưới xin có vẻ quê mùa, thô ráp vậy nhưng so sánh về độ
bền các cuộc hôn nhân thì hơn các đôi bây giờ. Dư luận xã hội phê phán rất dữ dội
những người bỏ vợ (chồng), thiếu chung thủy với vợ (chồng) cũng là những rào cản
đáng kể với những ai sẵn máu “dê”.