Trang

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

XEM SÁCH



Tôi quen bác Quý Phong Nguyễn Văn Mậu, một cán bộ chính trị kỳ cựu rất thông tỏ đường lối, đồng thời cũng rất thành thạo máy vi tính. Bác thấy tôi hay viết đoản văn mới bảo:
      - Chú mang cuốn Cổ học tinh hoa này về mà xem, có nhiều cái hay lắm.
      Quả tình tôi chỉ biết cuốn sách đó qua việc đọc báo, nay mới thấy trọn bộ.
      Sách Cổ học tinh hoa do hai học giả lừng danh đầu thế kỷ 20 là Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn, cho xuất bản năm 1925.
      Cái hay của sách là cứ mỗi một câu chuyện ngăn ngắn lại kèm theo sau một lời bàn của các soạn giả.  Xin trích một chuyện có nhan đề là MẤT BÚA  (trang 61)
       "Có người đánh mất cái búa, ngờ cho đứa con nhà láng giềng lấy trộm. Anh ta trông dáng nó đi, rõ ra đứa ăn trộm búa, nhìn vẻ mặt nó, rõ ra đứa ăn trộm búa, thấy nó cất nhắc hành động, không một tí gì là không rõ ra một đứa ăn trộm búa.
      Lâu sau, người ấy tự nhiên tìm thấy búa. Thì trông đứa con nhà láng giềng kia, từ ngôn ngữ đến cử chỉ lại không một tí gì là đứa ăn trộm búa nữa".

       LỜI BÀN: Người ta khi mất một cái gì, thì một mất mười ngờ. Mà trong bụng đã ngờ vực thì các ngoại vật cũng theo đấy mà biến đổi. Phàm tâm trí mình đã cảm giác làm sao, thì mình lại tưởng tượng cái cảnh sắc hợp như thế. Người mình vui, thì thấy ngoại vật hình như cũng vui; Người mình buồn thì thấy ngoại vật lại cũng buồn. Chẳng qua là tự mình in trí như vậy, chớ ngoại vật chắc gì đã có mối liên lạc với mình mà thay đổi! Cái tâm chuyển thời muôn pháp đều chuyển. Cho nên tâm cần phải chính. Tâm có chính thì tư tưởng hành vi mới thoát khỏi tà"
      Rất đáng để mọi người cùng suy ngẫm trong các ứng xử thường ngày với nhau. Và đặc biệt các thầy cô với học sinh của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét