Trang

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

TÔI ĐI NÉM THI

Cứ vào mùa hè, mùa thi cử, tôi lại nhớ đến chuyện đi “ném thi”. Chả biết nơi khác gọi thế nào nhưng dân quê tôi gọi là vậy.
    Đó là cái việc đến chỗ học sinh thi, làm bài ném vào phòng thi cho con (em, cháu, chắt…).
    Thế mới biết quê nhà mình hiếu học thật, chính xác ra phải nói là hiếu thi. Nhà ai có người đi thi thì ắt hẳn phải có người đi ném thi. Nếu không là thiếu quan tâm đến sự nghiệp giáo dục (thi cử).
     Bây giờ nghĩ lại thấy xấu hổ nhưng quả thật thời thanh niên tôi là một trong các chuyên gia đi ném thi. Nếu quy tội danh thì tội của mình nặng nhất.
    Chuẩn bị vào kỳ thi là các gia đình đã chuẩn bị mượn người đi ném, mua giấy than, tìm địa điểm trọ... Tôi ở khâu đầu tiên, quan trọng số một: sản xuất bài làm. Thời trước chưa có máy Fotocopy nên chỉ còn cách viết tay, lót giấy than ở dưới.
    Từ sớm tinh mơ, tôi đã được các chiến binh đưa ra mặt trận. Trụ sở Ban tham mưu là một nhà dân, cách nơi thi một đoạn. Sở dĩ phải đi hơi xa và giữ bí mật cho tôi là sợ người ta kéo đến đông, trong khi tôi chỉ phải làm bài cho mấy nhà quen. Khẩn trương nhất ở chiến trường là khâu kiếm được đề thi. Có hàng trăm kiểu ma thuật để lấy đề: dùng nội gián từ học sinh, áp sát cửa sổ để nghe hoặc mạo hiểm nữa là cướp đề…Thông thường bọn học sinh ở trong chúng chép rồi vo tròn quăng ra.
     Có đề rồi tôi phải nhanh chóng vận dụng các loại công thức để giải đề sao cho thật nhanh chóng, chép cho thật rõ ràng. Được cái đề thi tốt nghiệp thường là không khó. Chỉ có các môn Toán, Lý, Hóa còn phải suy luận tính toán, vẽ vời. Các môn khác chủ yếu xào xáo, sao chép lại sách giáo khoa.
     Sau khi bài đã xong lực lượng chiến đấu bắt đầu triển khai tấn công và tấn công…. Nếu rỗi tôi lại ngồi tái sản xuất bởi vì có anh ném vào bị giám thị thu, đành phải quay về nạp đạn lại để chiến đấu tiếp. Có năm đề khó ra ngoài quá, thì cứ lấy được câu nào làm câu ấy.
     Vì luôn ở vị trí Hầm tham mưu tác chiến như vậy, nên tôi ít khi được chứng kiến toàn cảnh chiến trường. Thường lúc ra xem thì đã sắp tàn, các giám thị đã quá mệt mỏi, thôi thì tháo khoán cho bọn sĩ tử mặc sức tung hoành.
     Trưa về được nghe đủ thứ chuyện bi hài ngoài mặt trận. Có đứa đóng giả vai học sinh tiếp nước để vào sát cửa sổ ném bài. Có đứa táo tợn, đợi cho giám thị chép xong đề, phi như bay vào cướp, giám thị hành lang cũng bị bất ngờ, bó tay. Lại có đứa bị công an bắt tra tay vào còng số 8, nó khóc rống lên, la hò ầm ỹ. Công an không chịu nổi phải thả.
     Còn trong phòng thi độ bi hài cũng không kém. Trên bài làm ném vào có ghi chữ: “còn tiếp nữa” (đang còn nữa, sẽ ném vào sau, hãy đợi đấy!). Nó ngu quá hoặc lúc đó bị loạn óc nên cứ viết cả mấy chữ “còn tiếp nữa”. Sau này làm thầy, trong khi chấm thi lắm lúc đọc bài thi của thí sinh cười vỡ bụng.
     Có đứa đang viết dở thì bị giám thị thu tài liệu. Khi ném đợt 2 hắn lại ghi tiếp vào đó. Đầu đuôi là 2 câu khác hẳn nhau.
     Thi cử nhốn nháo như vậy nhưng tỷ lệ đỗ luôn cao ngất ngưởng 98-99%. Chỉ từ khi ra trường đi dạy học tôi mới bỏ nghề “ném thi”. Có ai mời cũng lấy cớ bận để chối, chẳng lẽ là thầy rồi còn làm cái trò ấy. Vả lại nhiều khi nó cũng là vì quá nể, toàn anh em, chòm xóm cả. Không lẽ nói sao…
     Khoảng chục năm trở lại đây, tệ nạn “ném thi” ở quê tôi đã căn bản hết. Việc này đã được giải quyết khéo léo hơn, theo lối mới. Không còn chuyện như đi đánh giặc nữa. Bác Nhân làm ầm ỹ một hồi nay cũng đã chán, thả nổi. Vấn đề phức tạp là cả một hệ thống đòi hỏi phải đổi mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét