Hồi xưa, thời phong kiến, tội hủ hóa (trai gái không cưới
hỏi ngủ với nhau) bị xử rất hà khắc, cạo trọc đầu bôi vôi, làng bắt vạ...
Cách nay vài ba chục năm về trước vẫn còn định kiến khá nặng
nề. Hủ hóa mà bị bắt quả tang là ghê lắm, tội tày đình. Bây giờ nhiều lúc nghĩ
lại thấy nó ấu trĩ.
Cái năm dạy ở cấp 3 Thạch Thành, vào một đêm cuối thu
trăng sáng vằng vặc, đang ngủ say nghe anh Tiến, dạy môn Sinh sang gõ cửa khe
khẽ gọi: “Mau, mau. Dậy đi bắt trộm”. Loàng quàng xỏ chân vào dép, cầm một cái
gậy chạy theo. Ra khu lớp học, bên trong tối mò mò, chỉ nghe có tiếng lục cục.
Anh Tiến bất ngờ bấm đèn pin hô to: “Đứng yên! Chạy là chết”. Chúng tôi xông
vào. Thằng con trai đã vọt cửa sổ chạy biến ra ngoài. Còn mỗi đứa con gái tô hô.
Khổ thân con bé cứ khóc van như bổ củi. Các bà, các chị bắt đầu nhiếc móc: “Đẹp
mặt nhỉ. Thật là đồ đĩ. Không biết con cái nhà ai…”. Thế là lập biên bản, giao
cho công an xã sở tại. Chả rõ sau cái vụ ấy, con bé có sống được ở làng nữa hay
không.
Khoảng năm 1986, nơi trường cấp 2 tôi dạy có một cô làm
Thư viện, chồng lái xe bắc nam, đi đâu gái đấy. Đã thế về còn hành hung vợ.
Không chịu nổi cô đâm đơn ra tòa xin li hôn. Tuy tuổi đã ngoài 30 nhưng trông
cô còn giòn giã, sắc nét lắm. Bỗng hôm ấy cô vắng mặt ở trường không lý do. Ba
ngày, một tuần, rồi hai tuần…Trở lại trường cô nói là đi chữa bệnh. Các nguồn
tin khác cho biết cô đã có bồ bao cho ở đâu đó. À, thì ra người này đã mấy lần
đến trường nói là người nhà của cô. Nhà trường rồi Công đoàn tổ chức họp kiểm
điểm. Cô hứa rất ngon lành. Nhưng mấy tháng sau chuyện cũ lại tái phát.
Ông Hiệu trưởng rất bực. Các biên bản hội nghị, các lời hứa
của cô hóa ra là trò đùa hay sao. Chuyện nhây nhưa cả năm, kết cục là năm sau cô ta có một
đứa con. Có lẽ nhà trường cũng đã báo cáo lên cấp trên.
Một hôm, tôi và ông Hiệu trưởng có việc gì đó lên Phòng
Giáo dục, nhân tiện hỏi về việc xử lý tội hủ hóa của cô.
Trưởng phòng đã ngót 60 tuổi, tóc bạc trắng thong thả mời
nước chúng tôi rồi ôn tồn:
- Theo các thày nên như thế nào?
Ông
Hiệu trưởng không kìm được búc xúc:
- Trường tôi bị cắt thi đua cũng vì cô này. Đề
nghị Phòng phải xử thật nặng làm gương cho kẻ khác, ví dụ như buộc thôi việc chẳng
hạn….
Trưởng phòng cứ chăm chú nghe, cuối cùng cười
và bảo:
- Các thày nên nghĩ cho kỹ, xử lý cho khéo, kẻo
khổ người ta. Gia cảnh mà êm ấm chả ai muốn vậy. Nếu anh em có những ý kiến này
kia thì lãnh đạo cũng phải biết giải thích để cho họ thấu hiểu.
Hôm ấy tôi được một bài học về ứng xử nhân văn với đồng
loại.
Nhưng có một chuyện hủ hóa mà tôi không thể nào thông cảm
được.
Bà ấy là người xã tôi, đã có chồng đang ở bộ đội. Những
năm chiến tranh, bộ đội thường xa nhà hàng năm trời, thậm chí dăm bảy năm là
chuyện thường. Bà có một đứa con trai thì chồng vào bộ đội, vài năm sau thêm đứa
nữa, lại thêm đứa nữa… Dân làng rì rầm đồn rinh khắp xó chuyện con ai, con ai.
Bà mặc xác, hơi đâu mà đi thanh minh, thanh nga. Của bà chứ của ai mà cấm. Vậy
là một lũ con lít nhít ra đời nhưng chả rõ bố nào. Ông chồng thoạt đầu về cũng
ngán ngẩm, làm căng, định thôi. Nhưng sau, ông bình tâm nghĩ lại và cho qua. Chắc
ông cho rằng cũng vì chiến tranh mới nảy ra cái bi kịch ấy.
Dân làng ít người
thông được như ông. Ai cũng bảo ông hiền quá, nhu nhược quá. Ông còn thương bà
vì bà đẹp lộng lẫy, dẻo mồm, lưng ong, mắt dao cau, lại khéo chiều chuộng. Có
người đã nói diễu cợt: “Cá vào giỏ ta là của ta”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét