Trang

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

TIÊN HỌC LỄ - HẬU HỌC VĂN

 Năm ấy tôi được phân công đến dự Đại hội Công nhân viên chức ở một trường cấp 2 của một xã nọ. Khách mời còn có Chủ tịch và một số cán bộ ban ngành của xã. Là chỗ quen biết nhau nên chúng tôi chuyện trò cởi mở, thân tình.
           Chương trình cũng như mọi năm, mời Lãnh đạo cao nhất của xã phát biểu. Trong tất cả các phát biểu của lãnh đạo xã, phường mà tôi được nghe thì có thể nói ông Chủ tịch xã này gây ấn tượng mạnh mẽ nhất. 
           Giọng nói to, trầm hùng, diễn cảm, cương quyết; tay luôn chém chém theo nhịp thể hiện một uy quyền đã ngự trị tuyệt đối. Ông nói nhiều nhưng tôi giật mình về cái đoạn này:
          "Chúng ta cần phải rà soát lại tất cả các vấn đề như Chương trình, sách giáo khoa… Nhưng thôi, cái đấy là của trên. Tôi nói trong phạm vi trường ta. Cái khẩu hiệu to đùng trước văn phòng kia kìa: Tiên học lễ - Hậu học văn. Các đồng chí bảo của Khổng Tử… Tôi chưa nghe thấy tên cái ông này khi nào. Tôi chỉ biết rằng như vậy là sai. Quá sai…. Tại sao lại chỉ có bắt học sinh học. Các thày không dạy thì học sinh học cái gì?... Tôi sẽ cho thợ sửa lại: TIÊN DẠY VÀ HỌC LỄ - HẬU DẠY VÀ HỌC VĂN
           Rồi còn cái bảng kia nữa: Nội quy Giáo viên.
           Không được, phải là: Nội - quy - dành - cho - Giáo - viên.
           Rồi kia nữa:  Nội quy Học sinh.
           Không được, phải là: Nội - quy - dành - cho - Học - sinh.
           Được phân công theo dõi và chỉ đạo Hội nghị tôi định phát biểu thêm vài lời nhân ý kiến này. Nhưng Hiệu trưởng nhà trường bấm tôi: "Ý ông ấy là ý trời"
           Nói là làm, từ sau Hội nghị đó các khẩu hiệu, bảng biểu có vấn đề đã được xã cho thay mới sáng choang. Và chúng đã trường tồn suốt cả nhiệm kỳ ông ấy làm Chủ tịch.
            Xin mọi người đừng hỏi ông chủ tịch ấy là ai nhé mà mất đoàn kết. Hãy nghĩ rằng ông ấy vẫn thấp thoáng đâu đây và chỉ khác về mức độ mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét