Trang

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

THẦY NGUYỄN ĐÌNH NOÃN



     Tôi nhớ có lần thầy bảo quê ở Đô Lương, một vùng quê cách mạng. Thầy học chuyên ngành Thiên văn ở Ba Lan về, có học vị Phó tiến sỹ và là một trong số ít các nhà Thiên văn nước ta lúc ấy. Cả khoa có mình thầy dạy môn này, nên nếu thầy đi Hội thảo hoặc chẳng may bị ốm thì hôm ấy sinh viên được nghỉ học. Sau này nghe đâu thầy đào tạo được một đệ tử là thầy Huân.
      Thầy dạy chả cần sách vở gì vì chính thầy viết Giáo trình của bọn tôi. Trăng sao trên trời thầy còn thuộc làu làu như lòng bàn tay. Những Hoàng đạo, Bạch đạo thầy cứ vẽ vẽ ra không gian trước mặt như nó đang hiện diện ở đấy vậy.
       Ngoài việc dạy các kiến thức về Thiên văn thầy còn tranh thủ lồng ghép cho chúng tôi những vấn đề về chính trị, xã hội. Những chuyện về chế độ diệt chủng Pôn-pốt, về quan hệ Việt-Trung-Nga… So với các thày dạy Chính trị cùng thời thì thày có khả năng diễn giảng hơn hẳn. Chúng tôi cứ há mồm ra nghe và cuối cùng vỗ tay rầm rầm.
        Thầy có phong cách quần chúng rất dễ gần, dễ mến. Mấy cái răng cửa hơi bị thưa và xô ra trước nên thầy luôn luôn là người tươi nhất của khoa Lý.
       Thi môn Thiên văn theo hình thức vấn đáp, tôi bắt thăm được câu: Trình bày cơ chế của thủy triều?
       Trúng tủ nên trình bày tự tin, lưu loát, lại còn vẽ hình mô tả vị trí tương đối của quả đất và mặt trăng, chúng xoay chuyển tác động ra sao. Chắc mẩm phen này  không 10 thì 9. Thầy đặt câu hỏi phụ: Thủy triều xảy ra ở đâu?
       Không cần nghĩ ngợi nhiều, tôi đáp ngay: "Thưa thầy, thủy triều xảy ra ở trên biển và trên sông" - Thầy cười bảo: "Lẽ ra anh được điểm cao đấy nhưng vì câu trả lời sau anh chỉ đáng điểm 7"
         Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng duyên hải, thường ngày lặn hụp trên sông, chỉ biết nước sông lên xuống theo con nước thủy triều. Sau này lên miền núi dạy học tôi mới hiểu ra rằng sông trên đó chỉ chảy xuôi theo một chiều về phía hạ lưu, không hề có thủy triều lên xuống.
           Một bài học nhớ đời về lối học mọt sách, thiếu thực tế.

3 nhận xét: