Ông sinh năm 1932 tại thôn Phú Quý, tổng Cao Vịnh (xóm 8, Nga
Vịnh, Nga Sơn ngày nay). Tên khai sinh của ông là Mịch nhưng sau này khi đi dạy
học ông cải ra là Minh.
Thân phụ ông là cụ Phạm Khắc Quảng, nguyên là Thư lại ở Phủ
Thiệu sau về làm thày đồ dạy chữ Hán ở làng.
Lúc trẻ ông học Trung học ở Thiệu Hóa, đến hết bậc phổ thông
hệ 9 năm. Trong ảnh ông đứng sát ngoài cùng bên phải (chỗ mũi tên màu trắng).
Thời kỳ Cải cách ruộng đất, gia đình đôi bên nội ngoại đều
điêu đứng, ông bỏ quê ra Hải Dương học Sư phạm rồi về dạy cấp 1 ở huyện Kinh
Môn. Từ năm 1957 đến năm 1960 ông dạy cấp 1 ở xã Hiệp An. Năm 1960, ông được bổ
nhiệm làm Hiệu trưởng đầu tiên của trường phổ thông cấp 1 thị trấn An Lưu, huyện
Kinh Môn. Từ đó đến suốt thời gian công tác sau này ông chỉ làm Cán bộ quản lý ở
một trường (Thị trấn Kinh Môn).
Những năm tháng đứng trên bục giảng, ông đã để lại những dấu ấn
sâu đậm trong lòng các thế hệ học sinh về một người thầy có tâm huyết với nghề,
điềm đạm trong giao tiếp.
Ông là người hào hiệp, phóng khoáng và giàu lòng thương người.
Ông đã cưu mang rất nhiều các em, các cháu trong những thời khắc khó khăn nhất
của gia đình. Chính tôi đã được ông kèm cặp cho ăn học 2 lần: lúc bé học
ABC và sau này những năm học cấp 3.
Ông là điển hình về một con người năng động, luôn tìm mọi
cách vượt khó, không cam chịu thất bại. Những năm tháng chiến tranh, bom đạn, rồi
trải dài thời kỳ bao cấp gia đình đã 4 lần chuyển nhà. Ông vừa lo liệu xoay xở
nuôi 9 đứa con, lại vừa phải đèo thêm vài đứa cháu. Vậy mà ông vẫn thu xếp tham
gia đầy đủ các công tác xã hội. Ông quảng giao rộng rãi, giúp bạn nhiều nên
cũng được nhiều bạn giúp.
Mặc dù xa quê từ lúc tráng niên nhưng trong sâu thẳm lòng ông
vẫn đau đáu một niềm hướng về cố hương với tình cảm yêu thương, da diết. Hàng
năm ông đều dành thời gian về quê, đi đến các nhà thăm hỏi bà con, anh em nội
ngoại.
Năm 2002, ông đã đứng ra kêu gọi anh em, con cháu đóng góp tiền
của, công sức xây dựng nên từ đường Họ Phạm thôn Phú Quý. Ông có những tham vọng
hoài bão lớn lao, khác với nhiều người. Năm 1988, hưu rồi nhưng ông vẫn chưa chịu
nghỉ. Ông vào Bình Phước, qua bạn bè nhờ mua một lô đất hoang để làm trang trại.
Độ dăm năm sau thấy bên Bà Rịa đất tốt hơn ông lại tính chuyện bán đi để đầu tư
sang đó. Hàng chục hec-ta đất được ông thuê máy cày, máy xúc quy hoạch bài bản,
hợp lý. Chỗ nào trồng tiêu, nơi nào trồng cà phê, trồng cao-su, rồi chuồng trại
nuôi bò, nuôi dê ở đâu…
Trang trại của ông rộng ngút tầm mắt, đi mỏi chân chưa hết,
muốn dạo quanh phải dùng đến xe máy. Nhưng đôi khi khát vọng cao đẹp của ông vẫn
còn xa vời quá, thời cơ và vận hội hãy đang còn ở phương nào. Đất ở Bình Phước
khi ông vừa đi khỏi thì giá tăng lên vùn vụt gấp hàng chục lần trước đấy do nơi
đây được Quyết định nâng cấp lên thành phố. Bên Bà Rịa thì việc thu hoạch cây
con lúc được, lúc thua kiểu như “được mùa, rớt giá”. Mà đầu tư thì vẫn cứ phải
đầu tư, nhân lực thì ngày một khan hiếm...
Dù sao ông cũng tương đối mãn nguyện: có đến 9 người con trưởng
thành. Trong khi đó bây giờ mỗi gia đình chỉ đẻ 2 đứa con mà sao chăm nuôi
chúng vất vả như người đánh vật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét