Hồi nhỏ ở nhà đi học ông được cha mẹ đặt tên khai sinh là Đặng
Thịnh Xấc. Sau này vào Đại học ông đổi ra Đặng Trung.
Ông tuổi Canh Ngọ (1930), đến nay đã ngoại bát tuần rồi mà
xem ra còn dẻo dai, kiên cường lắm. Lẽ ra Nam Tào đã chấm sổ để ông về với Tiên
Tổ từ năm 1990. Ông bảo số ông chưa chết là nhờ vào con. Năm ấy ông đưa con gái
từ Sa-pa xuống để đi Liên Xô học (thời bấy giờ chỉ có đi Liên Xô). Do phải hoãn
chuyến bay mấy ngày nên ông tranh thủ vào bệnh viện khám. Bác sĩ bất ngờ phát hiện
ra ông có khối u đại tràng và đề nghị mổ ngay. Hy vọng ông sống thêm mấy năm nữa,
thế mà nay đã 23 năm có lẻ.
Trong ảnh ông đứng dưới cùng, ngay sát cái cột lớp học. Ảnh
này được chụp năm 1950 tại Hậu Hiền (huyện Thiệu Hóa) nơi trường Trung học kháng
chiến sơ tán về.
Ông bản tính thông minh và lanh lợi, chắc chắn chỉ số IQ của
ông phải rất cao. Từ khi còn học ở huyện ông đã tiếng tăm lừng lẫy. Sau này lên
trường Trung học ông đã đạt được những kết quả đặc biệt. Là một trong hai người
xuất sắc trong kỳ thi học sinh giỏi Thi đua Ái quốc năm 1949 (người thứ hai là
Giáo sư Bùi Trọng Liễu, Đại học Pa-ri)
Ông vào học Đại học Y khoa Hà Nội, sau đó đã về quê đưa các
em, các cháu đang còn khó khăn ra tiếp tục ăn học. Bản thân ông đi làm thêm, hướng
dẫn để các em, các cháu vừa đi học nhưng cũng vừa đi làm thêm lấy tiền trang trải.
Năm 1960, ông tốt nghiệp
Đại học Y. Do không khí chính trị hồi đó rất phức tạp, gia đình bị quy thành phần
địa chủ trong Cải cách ruộng đất nên ông không được bổ nhiệm làm bác sỹ.
Ông phiêu bạt lên Sa-pa mưu sinh bằng đủ thứ nghề: ban đầu xẻ
gỗ, thợ rừng, sau này trồng rau, trồng thuốc bắc… chỉ nhằm mục đích sao cho sống được. Tuy nhiên
với bản lĩnh và trí tuệ sắc sảo trời phú, ông đã tạo lập nên một gia đình êm ấm,
một cơ ngơi khang trang giữa miền rừng núi heo hút.
Chiến tranh biên giới với Tàu năm 1979, ông đưa vợ con chạy
giặc về quê. Sau yên hàn quay lại thì các thành quả mà ông cùng vợ con khai phá
bao nhiêu năm gần như bị xóa sạch.
Sự nghiệp của đời ông chỉ thực sự khởi sắc, sang trang hồng
sau năm 1990. Hồi đấy đất nước bắt đầu mở cửa, hội nhập. Tình cờ gặp vợ chồng một
anh Tây đi du lịch lên Sa-pa. Qua giao tiếp, biết ông nói tiếng Pháp tốt đã
khuyến khích ông mở khách sạn kinh doanh. Ông ta sẽ đầu tư cho một phần vốn ban
đầu, khi nào có thì trả. Hồi ấy chỉ có Nhà nước mới có khách sạn. Ông táo bạo,
quyết chí làm và đã thành công.
Từ chỗ chỉ là một nông dân quen cày cuốc, có trong tay 5 ngàn
đô-la, ông làm một nhà nghỉ nhỏ với 6 phòng kiến trúc kiểu Pháp. Làm ăn được,
trả xong nợ ông lại mua thêm đất đầu tư tiếp. Nay thì ông đã có một cơ ngơi bề
thế: khách sạn 24 phòng có tiện nghi khá hiện đại, khuôn viên đẹp với vườn hoa,
cây xanh hài hòa như cảnh thần tiên.
Khách chỗ ông nhiều người Tây Âu, Mỹ, Ca-na-đa… Họ biết đến
qua những trang Web giới thiệu về một ông chủ khách sạn biết nói tiếng Pháp và
giao tiếp hết sức lịch lãm.
Ông biết tiếng nên hiểu được khách muốn gì. Ông am hiểu văn
hóa, phong tục và lịch sử Sa-pa nên có thể thỏa mãn nhu cầu cần biết của khách.
Ông bảo chỗ ông là khách sạn du lịch đúng nghĩa, không có sex, không có chặt
chém, lừa đảo.
Dăm bảy năm nay, tuổi đã cao, ông cho người khác thuê lại, chỉ
giữ ít phòng khi cần có khách là con cháu trong nhà.
Ông đã kỳ công viết một cuốn Hồi ký kể về cuộc đời chìm nổi,
sóng gió của mình. Cuốn sách dày mấy trăm trang nhưng đọc vẫn hứng thú vì ông
có lối kể chuyện dân dã và hấp dẫn. Quá khứ hiện lên bi hùng cay đắng, những nỗ
lực không mệt mỏi của ông để chinh phục tự nhiên, để lèo lái gia đình qua cơn
bĩ cực.
Nay thì ông an nhàn, có điều kiện đi thăm thú bạn
bè, anh em đây đó. Ông bảo lúc nào cũng có thể sẵn sàng “đi Tây Trúc” được, vì
chả còn vướng bận gì.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét