Ông sinh năm 1930 tại làng Đại Thọ, tổng Cao Vịnh (xóm 9, Nga Vịnh,
Nga Sơn ngày nay). Từ nhỏ ông đã được cha mẹ cho đi học trường làng rồi lên trường
huyện. Tuổi thơ của ông trôi đi êm đềm trong một gia đình có gia thế, có nền nếp
ở nông thôn thời xưa.
Ông là con trai thứ 4 của cụ Đặng Thịnh Kỷ, một nhà nho nghiêm cẩn và
lễ nghĩa. Vì thế các tính cách của ông đã được rèn dũa từ rất sớm.
Tấm ảnh dưới đây, ông đội mũ ngồi ngay hàng đầu bên trái, được chụp
năm 1950 tại Hậu Hiền (Thiệu Hóa) nơi trường Trung học Nguyễn Thượng Hiền sơ
tán về.
Hết phổ thông, ông được chọn đi học Sư phạm Liên khu III và được phân
công về dạy học tại Thái Bình. Lúc bấy giờ lực lượng giáo dục còn vô cùng mỏng
manh, từ năm 1954 ông đã được cử làm Hiệu trưởng đầu tiên của trường cấp 2 huyện
Thụy Anh. Học trò những lứa ban đầu ấy nay đã râu tóc bạc phơ, cũng đã thành cụ,
thành ông bà cả, có nhiều người đỗ đạt cao, làm chức lớn.
Năm 1958, ông đi học ĐH Sư phạm môn Sinh và chuyển về dạy trường Trung
cấp Sư phạm Kiến An (tiền thân của ĐH Hải Phòng ngày nay). Ông đã góp phần đào
tạo nhiều thế hệ giáo viên cho vùng đồng bằng Bắc Bộ. Khi đã gần 50 tuổi ông được
đề bạt lên làm Trưởng phòng Giáo vụ, mấy năm sau ông lại xin thôi về đi dạy.
Con đường hoạn lộ vốn không hợp với tạng của ông vì tính ông cương trực, liêm
chính.
Ông đọc khá nhiều sách nên kiến văn rộng rãi, không chỉ bó hẹp trong
phạm vi môn Sinh học. Cả những lĩnh vực của khoa học xã hội như văn, sử, địa
ông cũng biết tường tận. Ông là con người trung thành của đạo Nho: “Học không
biết mỏi, Dạy không biết chán”
Ông có tầm nhìn xa trông rộng, có lòng thương người sâu sắc. Thường
xuyên phải di chuyển trên các làng quê thời chiến tranh sơ tán vất vả là vậy,
ông vẫn về Thanh Hóa đưa anh em, con cháu ra bảo ban, nuôi nấng cho ăn học. Nhiều
người ở với ông đã thành đạt, đã học được ở ông nhiều điều mà sau này vào đời
càng ngẫm càng thấm thía.
Ông là một trong những người trăn trở về lịch sử dòng họ, lịch sử cha
ông. Những năm 80, ông đã cùng với cố Cai là ông nội tôi (ông gọi bằng chú) cặm
cụi dịch cuốn Gia phả họ Đặng từ chữ Nho ra Quốc ngữ. Năm 1995 ông liên hệ với Hội đồng gia tộc họ Đặng Việt Nam để tham gia
sinh hoạt, tìm hiểu thêm về cội nguồn. Ông đi điền dã, sưu tầm tư liệu để có một
công trình nghiên cứu công phu: “Nguồn gốc Thủy tổ Đặng Viết Trường”.
Tôi ra chơi. Ông khoe đang viết dở cuốn sách về quê hương ta ngày xưa
mà chưa xong. Tôi nói: đưa cháu mang về đánh máy. Nghĩ ngợi sao ông lại bảo để
hoàn thiện thêm. Nhìn tập bản thảo dày cộp với sức khỏe hom hem của ông, tôi cũng
thấy ái ngại. Ông bà nghỉ hưu, lương bổng hạn hẹp, chẳng được bao nhiêu. Nhưng ông
tiêu pha tằn tiện, dè sẻn để rồi cho người này người kia: những cụ già ở quê
khó khăn, các cháu đi học, họ hàng, công việc xây dựng nhà thờ…
Học trò của ông nhiều thế hệ, ở khắp nơi. Có nhiều người thực tâm muốn
giúp ông, nhưng ông lựa lời từ chối. Chung quy là ông ngại phiền, không muốn nhờ
vả, muốn giữ cái đạo thầy trò thật trong
suốt, không mảy may vẩn đục, chen lẫn một tí bụi trần nào.
Có nhiều học trò tuy làm quan chức lớn ở cấp Tỉnh, cấp Trung ương về gặp
lại thầy cũ vẫn hết sức cung kính. Chính ông, với nhân cách người thầy cao thượng
đã tạo nên sự kính trọng và ngưỡng mộ trong lòng họ. Vì thế học trò quý ông và dành cho ông những cảm tình đặc biệt. Nhiều
lần đã mời ông vào nam ra bắc, thưởng lãm du lịch đó đây.
Một
thầy giáo giữ được cốt cách như ông bây giờ sao mà quá hiếm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét