Trang

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

CÁI TỆ RƯỢU



Những bức tranh hài của Họa sỹ Phạm Văn Tư đã gợi ý làm đề tài để tôi lan man về rượu.
Đọc những chuyện thời Pháp thuộc, anh nông dân muốn vu vạ cho ai, chỉ cần đặt vò rượu vào trong nhà người đó và báo cho nhà chức trách biết là ai đấy có thể bị ngồi tù. Tàng trữ rượu lậu lúc xưa là tội rất to.
Trong bài thơ Á-tế-Á-ca chúng tôi học hồi cấp 2:
 “Rượu ta nấu, nó cho rượu lậu
   Muối ta làm nó bảo muối gian…”
Tất nhiên, có thêm một lý do là để ngành sản xuất rượu của Nhà nước thuộc địa được độc quyền.
Thời nay đã khác, hầu như tỉnh nào cũng có một vài nhà máy bia, rượu. Doanh thu của các nhà máy này luôn chiếm tỷ trọng đáng kể trong ngân sách của địa phương. Làng tôi độ trăm hộ dân cũng có tới vài lò sản xuất rượu, nấu ra bán không kịp. Người dân nghèo cũng có thể mua rượu uống vì giá rất rẻ, chỉ có chưa đầy 20 ngàn một lít, có khi rẻ hơn cả nước khoáng đóng chai.
Hồi tôi còn nhỏ, đang chiến tranh, nấu rượu cũng bị cấm vì lương thực phải để cung cấp cho bộ đội ở chiến trường. Rượu mang đi bán cho vào cái bong bóng lợn, mà phải giấu diếm, chui lủi, lén lút. Không biết có phải do vậy mà cái tên rượu “cuốc lủi” ra đời hay không.
Trên miền ngược, rượu đã thoải mái từ lâu. Đồng bào tự sản xuất lương thực sắn, ngô. Men rượu chỉ đơn thuần là một loại lá cây rừng. Người Mông xuống chợ có 2 vợ chồng và con ngựa. Khi về là hình ảnh con ngựa thồ vắt ngang anh chồng đã say xỉn. Vì thế mà người Mông có câu: “Tan chợ không say không phải là người tốt”.
Ở thành phố tình trạng bia rượu cũng khá náo nhiệt. Có những quán bia vào những buổi chiều hè, người đông vô kể, ngồi tràn lan cả ra vỉa hè, hàng trăm người chen chúc nhau, nói cười đinh tai nhức óc. Dân nhậu còn có lối uống “xếch”, chỉ có rượu với vài ba quả ổi, quả xoài xanh. Lại phải uống hết mình, không xỉn là cuộc nhậu coi như thất bại.
Đi ăn uống, giao lưu có bia rượu sợ nhất là có một anh cầm càng hô lớn 1…2…3…. Tức thì cả mấy chục con người cùng đồng thanh: "Dô…ô…". Một hiệp phải hô liên tiếp mấy lần như vậy. Tiếng hô to vang động làm rung chuyển cả quán. Bọn trẻ choai choai bây giờ cũng mau chóng học được bài này ở các bậc cha anh.
Nhiều anh trước đây cũng chỉ uống vừa vừa thôi, từ ngày được cất nhắc có tí chức vụ thì tự nhiên tửu lượng đi lên trông thấy. Bởi vì nếu không biết nhậu, sẽ bị khó trong các cuộc giao bôi với khách, khi cần không uống đỡ được cho sếp. Câu nói xưa của các cụ như một tấm bùa cho các anh làm bảo bối: “Nam vô tửu như kỳ vô phong” (con trai không có rượu thì rũ như cờ không có gió)
Các đồng chí làm bên công an thì uống rượu tương đối dữ dằn. Đến nỗi có thời Bộ trưởng đã phải ra chỉ thị cấm uống rượu. Tôi quen một cậu bạn làm công an những năm 90, uống rượu khá tốt. Nó bảo: Đấy mới là chỉ thị 33, chuẩn bị có chỉ thị 65 nữa cơ (33 và 65 là dung tích các chai rượu). Nó uống rượu đến nỗi sau cơ quan phải cho thải hồi vì rượu vào bết quá không thể làm việc được.
Tôi không thấy mấy ai uống nhiều rượu mà vẫn tỉnh táo và trường thọ. Ngược lại đã chứng kiến rất nhiều các cuộc ra đi về cõi vĩnh hằng mà nguyên nhân sâu xa là do rượu tàn phá cơ thể. Người già có, người trẻ có, thậm chí có người lúc trai tráng vô cùng khỏe mạnh và sáng láng nhưng rượu đã biến anh ta thành một kẻ thân tàn, ma dại, nửa ngợm, nửa người.
Nghe nói ở các quốc gia phát triển họ cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, họ không cho quảng cáo, họ đánh thuế rượu rất nặng. Cửa hàng nào cố tình sẽ bị phạt gấp nhiều lần lợi nhuận do anh vi phạm.
Cả xã hội cùng chung tay tấn công tệ nạn ma túy vì những tác hại do nó gây ra. Nhưng để cho người dân tự do rượu chè be bét cũng là mối hại lâu dài cho cả bản thân, gia đình và xã hội. Nòi giống tương lai, đạo đức luân lý sẽ suy tàn theo rượu. Không thiếu gì các vụ án hình sự, các tai nạn giao thông mà rượu là nguyên nhân.
Đọc tiếp »

MỘT THỜI PGD BỈM SƠN


       Ngày 12/9/2013, nhớ lại một thời Phòng Giáo dục Bỉm Sơn, chúng tôi đã có cuộc gặp mặt. Từ các bậc trưởng lão như bác Quảng, bác Mỳ nguyên Trưởng phòng cho đến các anh Dũng, Hiệu, Dưỡng, Trung, Cần, Trị, Hải đã chuyển đi cơ quan khác đều về tụ họp đông đủ. Nhiều người về hưu từ lâu như chị Lúa, anh Khuê, anh Chinh… cũng đến dự. Có người ở mãi Hà Nội như chị Minh, cô Thảo đã cơm đùm cơm nắm về từ ngày trước. Gần vào cuộc mới nhớ ra thiếu bác Hồ (chị Vũ Thị Hồ) lại cho xe xuống đón.
      Chúng tôi cùng nhau ôn lại một thời cùng làm việc, tình cảm đầm ấm, chia sẻ lẫn nhau. Cùng nhắc lại những kỷ niệm vui buồn, lúc khó khăn, khi hoạn nạn
          Lại đùa Phòng ta đủ cả Lúa lẫn Mỳ còn cả Lương. Và lúc Cần thì sẽ Kích, nếu kích không xong thì Trị, trị bằng các Lý Sự, nếu trị được mới Dưỡng….
          Nâng cốc chúc sức khỏe và bình an. Được cái kinh phí do Liên Xô tài trợ (Liên hợp các cô Thảo, Lý, Xô nên gọi là Liên Xô). Cuối buổi anh Dũng tặng mỗi bác hưu trí một gói quà.
       Vẫn còn sớm chúng tôi đi Karaoke, kẻo ngày xưa nhiều bác chưa biết thế nào là Karaoke. Ca khúc cách mạng và bài "25 anh em trên một chuyến xe tăng" được hát vang lên và vỗ tay rầm rầm.
        Chúng tôi lưu luyến chia tay ra về khi trăng thượng tuần đã ngả bóng. Hẹn hàng năm định kỳ gặp lại.
Đọc tiếp »

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

ĐI ĐÁM CON SẾP

Nhận được thiếp mời của anh P. cưới con trai, tôi cũng chưa rõ lắm vì sao anh mời. Tôi chỉ là nhân viên ở một Phòng cấp huyện, còn anh là trưởng phòng trên Sở. Thực ra có biết nhau nhưng không thân lắm, vài lần chuyện phiếm xã giao.
    Tất nhiên được mời thì chuẩn bị dọn bụng, diện quần áo mới để đến dự. Khách của anh nhiều, lại của vợ, của con nữa nên anh làm tiệc trà: uống bia và nhấm nháp.
    Đón khách anh chị ăn vận sang trọng, cười tươi như hoa, ra tận chỗ cổng chào bắt tay dẫn vào. Bật bia rót, mời mọc, nói lời chúc mừng, nói lời cảm ơn, cảm tạ, lại bắt tay. Mặt anh dãn ra cởi mở, anh nói chuyện thân tình, hỏi thăm tỏ vẻ rất quan tâm…..
    Từng tốp, từng tốp lũ lượt, lại bắt tay, lại chúc mừng….
    Khi chào tạm biệt, anh tiễn ra cổng, còn dặn với là khi nào có thời gian ghé lại chơi.
    Tôi nghĩ bụng: ông này có vẻ tình cảm ra phết, mình chẳng qua ít gần nên chưa hiểu đó thôi…
    Khoảng một tuần sau, có việc lên Sở gặp anh ở sảnh, tôi chào. Anh hờ hững, cũng không giơ tay ra bắt, tỏ vẻ không lưu tâm. Tôi nghĩ hay là thằng cha này nó chẳng nhớ mình là ai nữa. Hắn lại còn lôi điện thoại ra bấm. Tôi thầm so sánh 2 cái con người ở hai thời điểm khác nhau, sao nó lại biến hình nhanh đến chóng mặt như vậy. Thoáng hiện lên cái khuôn mặt cười cười hôm nọ, tự nhiên thấy ghê ghê.
    Không biết có ai rơi vào hoàn cảnh giống như tôi không.
    Từ đấy gặp hắn tôi cũng coi như không biết, nhẹ nhàng đi qua nhau, ai làm việc người ấy.
    Nhân tình lắm khi đau vậy đấy, các bạn ạ!
Đọc tiếp »

TÔI ĐI NÉM THI

Cứ vào mùa hè, mùa thi cử, tôi lại nhớ đến chuyện đi “ném thi”. Chả biết nơi khác gọi thế nào nhưng dân quê tôi gọi là vậy.
    Đó là cái việc đến chỗ học sinh thi, làm bài ném vào phòng thi cho con (em, cháu, chắt…).
    Thế mới biết quê nhà mình hiếu học thật, chính xác ra phải nói là hiếu thi. Nhà ai có người đi thi thì ắt hẳn phải có người đi ném thi. Nếu không là thiếu quan tâm đến sự nghiệp giáo dục (thi cử).
     Bây giờ nghĩ lại thấy xấu hổ nhưng quả thật thời thanh niên tôi là một trong các chuyên gia đi ném thi. Nếu quy tội danh thì tội của mình nặng nhất.
    Chuẩn bị vào kỳ thi là các gia đình đã chuẩn bị mượn người đi ném, mua giấy than, tìm địa điểm trọ... Tôi ở khâu đầu tiên, quan trọng số một: sản xuất bài làm. Thời trước chưa có máy Fotocopy nên chỉ còn cách viết tay, lót giấy than ở dưới.
    Từ sớm tinh mơ, tôi đã được các chiến binh đưa ra mặt trận. Trụ sở Ban tham mưu là một nhà dân, cách nơi thi một đoạn. Sở dĩ phải đi hơi xa và giữ bí mật cho tôi là sợ người ta kéo đến đông, trong khi tôi chỉ phải làm bài cho mấy nhà quen. Khẩn trương nhất ở chiến trường là khâu kiếm được đề thi. Có hàng trăm kiểu ma thuật để lấy đề: dùng nội gián từ học sinh, áp sát cửa sổ để nghe hoặc mạo hiểm nữa là cướp đề…Thông thường bọn học sinh ở trong chúng chép rồi vo tròn quăng ra.
     Có đề rồi tôi phải nhanh chóng vận dụng các loại công thức để giải đề sao cho thật nhanh chóng, chép cho thật rõ ràng. Được cái đề thi tốt nghiệp thường là không khó. Chỉ có các môn Toán, Lý, Hóa còn phải suy luận tính toán, vẽ vời. Các môn khác chủ yếu xào xáo, sao chép lại sách giáo khoa.
     Sau khi bài đã xong lực lượng chiến đấu bắt đầu triển khai tấn công và tấn công…. Nếu rỗi tôi lại ngồi tái sản xuất bởi vì có anh ném vào bị giám thị thu, đành phải quay về nạp đạn lại để chiến đấu tiếp. Có năm đề khó ra ngoài quá, thì cứ lấy được câu nào làm câu ấy.
     Vì luôn ở vị trí Hầm tham mưu tác chiến như vậy, nên tôi ít khi được chứng kiến toàn cảnh chiến trường. Thường lúc ra xem thì đã sắp tàn, các giám thị đã quá mệt mỏi, thôi thì tháo khoán cho bọn sĩ tử mặc sức tung hoành.
     Trưa về được nghe đủ thứ chuyện bi hài ngoài mặt trận. Có đứa đóng giả vai học sinh tiếp nước để vào sát cửa sổ ném bài. Có đứa táo tợn, đợi cho giám thị chép xong đề, phi như bay vào cướp, giám thị hành lang cũng bị bất ngờ, bó tay. Lại có đứa bị công an bắt tra tay vào còng số 8, nó khóc rống lên, la hò ầm ỹ. Công an không chịu nổi phải thả.
     Còn trong phòng thi độ bi hài cũng không kém. Trên bài làm ném vào có ghi chữ: “còn tiếp nữa” (đang còn nữa, sẽ ném vào sau, hãy đợi đấy!). Nó ngu quá hoặc lúc đó bị loạn óc nên cứ viết cả mấy chữ “còn tiếp nữa”. Sau này làm thầy, trong khi chấm thi lắm lúc đọc bài thi của thí sinh cười vỡ bụng.
     Có đứa đang viết dở thì bị giám thị thu tài liệu. Khi ném đợt 2 hắn lại ghi tiếp vào đó. Đầu đuôi là 2 câu khác hẳn nhau.
     Thi cử nhốn nháo như vậy nhưng tỷ lệ đỗ luôn cao ngất ngưởng 98-99%. Chỉ từ khi ra trường đi dạy học tôi mới bỏ nghề “ném thi”. Có ai mời cũng lấy cớ bận để chối, chẳng lẽ là thầy rồi còn làm cái trò ấy. Vả lại nhiều khi nó cũng là vì quá nể, toàn anh em, chòm xóm cả. Không lẽ nói sao…
     Khoảng chục năm trở lại đây, tệ nạn “ném thi” ở quê tôi đã căn bản hết. Việc này đã được giải quyết khéo léo hơn, theo lối mới. Không còn chuyện như đi đánh giặc nữa. Bác Nhân làm ầm ỹ một hồi nay cũng đã chán, thả nổi. Vấn đề phức tạp là cả một hệ thống đòi hỏi phải đổi mới.
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

PHẬT THỦ


       Hôm về quê, đến nhà chú em thấy có quả Phật thủ đặt trên bàn thờ, phía dưới là một cốc nước. Thế mà ở cuống nó đâm rễ ra tua tủa. Bèn chớp lấy cái hình ảnh dị thường ấy và viết mấy câu nôm na:

                    Dẫu lìa khỏi thân cây
                       Vẫn khát khao sự sống
                       Dù ai đấy nói rằng
                       Cuộc đời là ảo mộng

                       Cứ cho là ảo mộng
                       Thì vẫn sống hết mình
                       Vì không ai có thể
                       Đã chết lại hồi sinh
Đọc tiếp »

NGUYỄN TUÂN

     Cũng có lúc chúng ta nói "Vang bóng một thời" với những ai đã từng một thời vang bóng. Nhưng đâu có biết nó xuất xứ bởi tập truyện này.
    Tôi xem tập Truyện ngắn ấy đã lâu, ấn tượng rất mạnh mẽ, có lúc buồn, có lúc sợ như ma quỷ hiện hình. Những buổi chiều tà máu lửa, những giấc mơ cao sang thanh khiết, cảnh sương khói mờ ảo của chén trà sương mai. Có những khi tưởng tượng thần tiên, huyền bí như trong Liêu trai chí dị.
      Chất lãng mạn văn chương lãng đãng bao trùm hầu khắp các chuyện.
      Tôi chỉ thích đọc Nguyễn Tuân ở tập Truyện ngắn ấy. Văn của ông sang trọng, quý phái đến từng chữ tưởng như thay chữ khác là hỏng. Ý tứ cao thượng, hướng người ta vào cõi chân, thiện, mỹ mà không cần phải lý luận dài dòng.
        Vừa rồi có người quen cho mượn đọc lại. Vẫn hay và vẫn còn cảm giác như đang nhấm nháp một tách trà ngon vào một buổi sớm mai yên tĩnh. Mặc dù ông viết những truyện ấy đã bảy, tám mươi năm nay.
          Có người bảo: Hay thế nào, kể đi. Xin nói luôn: Hay không thể kể được. Chỉ có tự đọc thì mới cảm được cái hay của nó.
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

BỨC ẢNH LẠ

   Thấy trên mạng có một tấm ảnh lạ. Tôi không phải là một nhà Điểu học nên không rõ cái hành vi kia lắm. Khi còn bé chúng tôi gác tổ chim, hoặc đi phá tổ chim thì chim mẹ, chim con chúng gọi nhau bằng những tiếng kêu la thảm thiết, thất thanh.
    Lúc ấy trí óc còn non nớt, nên mặc dù có học bài "Không nên phá tổ chim" có nhưng câu như:
     "Con chim yêu tổ
       Như ta yêu nhà
       Ai mà phá tổ
       Ai mà phá tổ
        Chim buồn không ca"

      Chúng tôi vẫn cứ trèo cây gác tổ chim và thỉnh thoảng lên thăm xem chúng đẻ trứng hoặc đã nở con chưa để bắt.
       Xem trên ảnh tôi đoán rằng chim mẹ đang dìu lũ chim non về tổ. Có lẽ lũ chim non đang tập bay mà đôi cánh còn quá non nớt và yếu đuối. Hoặc là gió to làm tổ của mẹ con chúng bị hất đổ, chim mẹ đang liều mạng để cứu con.
       Những người mẹ, người cha lo cho con mình khi thơ bé cũng vậy. Dành hết cái cực, cái khổ kể cả cái chết để bảo vệ con.
       Mà không phải chỉ có loài người và loài chim mới có cái đức cao cả ấy. Loài cọp ăn thịt sống nhưng chúng bảo vệ con cũng ghê gớm. Ta xem trên ti-vi phần "Thế giới động vật" thì rõ.
        Chính người ta cũng nói: "Hổ không bao giờ ăn thịt con" ý muốn nói rằng người dù tàn bạo đến đâu thì với con mình họ cũng phải đối xử khác.
Đọc tiếp »

CÁI ĐÓI SINH VIÊN (Tiếp theo)

Đến bữa ăn, sinh viên mang đũa bát xuống nhà ăn. Cứ 6 người xếp vào một mâm gồm: 1 xoong cơm; 1 xoong canh; 1 đĩa thức ăn có vài con cá kho mặn. Canh thì lõng bõng những nước là nước, được gọi châm biếm là "canh toàn quốc".
      Cũng có những kỷ niệm buồn. Nói lại bảo nói xấu đồng nghiệp nhưng khi đói nó khổ vậy đấy. Có bạn vô tư quá khi ăn đã áp dụng định luật nhanh dần đều thành ra hôm ấy chắc chắn là sẽ có người trằn trọc vì "ông anh ruột". Không ai bảo ai nhưng những người đó rất khó để hợp cạ với một mâm nào.
     Nếu làm bảo tàng "Sinh viên thời bao cấp" thì dứt khoát không thể thiếu một hiện vật. Đó là cái tàu ngầm đun nước. Chỉ cần hai lưỡi dao cạo xiên vào cái đũa tre chẻ ra là xong. Có nước sôi là có đủ thứ: chè khô nhấm nháp, mỳ tôm ăn đêm, cháo gạo…
      Đang học hễ thấy điện tối sụp xuống thì đích thị là có ông nào đó đang chạy tàu ngầm rồi.
     Đi kiến tập ở trường cấp 3 Tĩnh Gia năm ấy đói vàng cả mắt. Huy Trúc, Tiến Bình, Dương Huyền bàn nhau đi xin bột mỳ ở dưới nhà bếp. Phải bịa ra lý do là để dán khẩu hiệu. Bác giữ kho lấy cho khoảng sét bát tô. Về nhà đổ nước vào ngoắng thấy loãng toẹt. Huy Trúc và Phượng lại được cử đi xin bổ sung. Bác quản lý nhà bếp vừa nghe xong đã la rầm lên:
          - Bay định dán khẩu hiệu khắp cả cái trường ni hay răng mà lấy lắm rứa.
     Thời đấy quán ăn cực hiếm. Chỉ có Cửa hàng ăn uống dưới Bến Thủy hoặc trên Trà Bồng là có phở.
      Nhưng túi sinh viên lép kẹp kiếm đâu ra tiền mà dám bén mảng đến chốn ấy.
      Một bữa nọ, chúng tôi nhận được tin người của lớp bị giữ lại dưới cửa hàng ăn Bến Thủy. Chạy xuống thì ra hai hoa hậu của lớp Tăng Thị Lâm và Hà Minh rủ nhau xuống chỉ để ăn bánh sắn. Có 2 đồng mua được 4 cái, ăn 2 cái còn 2 cái mang về. Nhưng khi vào lấy xe thì hết tiền cuống lên thông báo về nhà. Sau trấn tĩnh được mới nghĩ ra cách trả lại một cái bánh để lấy tiền đưa cho hội coi xe.
        Còn nhớ hồi năm thứ nhất, bữa đó tầm khoảng 9 giờ sáng đói se, đói sắt. Tự nhiên thấy gã Kim Anh chạy qua bảo có đi Bến Thủy không. Hỏi đi làm gì. Bảo cứ đi thì biết. Thì ra hắn rủ đi chiêu đãi phở, mà là phở có người lái hẳn hoi. Thơm ngon, tinh khiết chỉ có cánh lái xe mới được dùng.
         Nhớ nhất Kim Anh cái trận phở tuyệt vời ấy. Chả biết Kim Anh còn nhớ không.
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

SÚNG CHUỐI


                               Bất chợt nhớ về một thời thơ ấu
                               Đào dế, đào giun, súng chuối, súng xoan
                               Gác tổ chim, bắt cào cào, châu chấu
                               Chơi đáo, chơi khăng, đánh trận giả quanh làng

                               Nghĩ mà thương lũ trẻ con đời mới
                               Học chính, học thêm, luyện sáng, luyện chiều
                              Chủ nhật nghỉ nên được chơi một buổi
                               Ba tháng hè chưa đủ, vẫn còn theo
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

CHUYỆN BÊN MÂM RƯỢU

     "Tôi mà chưa ra quân, ở lại bộ đội thì bây giờ trung tá, đại tá là cái chắc. Đấy… mấy thằng bạn tôi đấy…"
    "Tôi ngày trước thi vào trường nào mà chả được. Cuối cùng thế quái nào lại đi Sư phạm…"
   "Ngày đấy tôi trúng con đề, nếu mua mấy mảnh đất mặt đường thì bây giờ đã bố tướng…"
   Ai cũng tiếc nuối cái ngã ba thần tiên và lối rẽ đi lên thiên đường của cuộc đời mình.
         Tôi thì nghĩ lẩn thẩn:
   "Biết đâu ở lại bộ đội ông có chức, có quyền rồi tiến đến lạm quyền, ông phạm pháp. Bây giờ đang ngồi bóc lịch trong nhà đá thì sao…"
    "Giả dụ không theo nghề giáo mà đi theo nghề khác. Bây giờ gặp lúc suy thoái kinh tế, vỡ nợ, phá sản, ông đang phải trốn chui, trốn lủi ở đâu đó thì sao…"
    "Chắc gì mấy mảnh đất mặt đường đã còn hay lại đi theo con lô, con đề. Và bây giờ ông trắng tay, thân tàn ma dại thì sao…"
    Bản thân tôi ngày trước cũng hay mang cái "ngã ba thần tiên" của mình ra ngắm và tiếc.              Nhưng bây giờ tôi mông má lại và chuyển sang bảo tàng. Thỉnh thoảng mới tới xem.
     Thôi, tốt nhất hãy tạm quên đi cái ngã ba thần tiên của ta, sống thành thực với mình, an lòng trong hiện tại để rồi tiếp tục đi đoạn đường còn đang phía trước.
Đọc tiếp »

THÁI HUY LĨNH


Hắn người nhỏ con, gầy gò, đen đúa. Hôm đầu đến lớp, ai hắn cũng gọi bằng anh. Có lẽ cân tất cả giầy dép, quần áo hắn cũng chưa nổi 35-40 ký lô.
      Hồi mới vào năm thứ nhất, đến tiết Thể dục của thầy Hùng, cả lớp chạy khởi động quanh sân. Bỗng thầy chỉ vào hắn: "Cậu kia đi ra ngoài". Hắn vẫn cứ chạy lon ton. Thầy lại chỉ vào và nói to hơn: "Tôi đã bảo rồi, cậu đi ra ngoài". Hắn gãi đầu không hiểu làm sao thầy đuổi mình khỏi sân. Cả lớp cứ tưởng hắn láo lếu chi đó mà bị thầy đuổi. Nhưng có người phát hiện ra hắn bị oan:
            - Thưa thầy, bạn ấy của lớp ta.
       Thầy há mồm, trợn mắt ngạc nhiên quá đỗi, đánh rơi cả còi:
           - Sao? Sinh viên hả? Sao bé như cái kẹo vậy.
      Thì ra thầy cứ tưởng đứa con nít, trẻ trâu nào đó lẫn vô để giỡn chơi nên đuổi ra ngoài. Nhà hắn ở Hưng Nguyên, cách trường chừng vài chục cây số. Khoảng cách ấy chưa đủ gần để hắn về ăn cơm nhà, nhưng cũng chưa đủ xa để hắn có thể ở lì lại trường như bọn tôi.
      Vì thế, cứ thứ Bảy là hắn lại dớn dác tư thế chuồn. Mà chúng tôi cũng mong cho hắn biến sớm để chỗ cơm nhà bếp bồi bổ thêm cho mấy cái miệng háu đói.
      Hắn học hành tài tử và lớt phớt kinh khủng. Nếu có bảng xếp hạng về độ "lớt phớt" của sinh viên thì hắn thuộc loại thứ hạng cao. Hắn học ít chơi nhiều. Thi cử với hắn chẳng là gì, hình như hắn không biết sợ.
       Vậy mà năm thứ nhất hắn phải thi lại môn Triết. Cái môn học thuộc lòng ấy lại thi vấn đáp. Hắn bắt thăm được câu hỏi: Các cặp phạm trù trong Triết học. Hắn hoảng vì mấy ngày vừa qua ôn thi hắn ta ôn tại nhà. Ở nhà thì đang lo Tết. Thay vì trình bày các cặp phạm trù hắn lại nhớ sang các cặp bánh chưng.
       Trả bài xong thì hắn choáng mà thầy cũng choáng vì không biết hắn vừa nói cái gì.
      Hắn có thằng anh học bên Nga, thỉnh thoảng có thư về, hắn lại cho chúng tôi coi. Một bữa thư anh hắn viết: "Em viết thư sang cho anh đừng ghi THÁI HUY LĨNH nữa nhé. Bên này chữ HUY có nghĩa là xấu đấy, nó là cái của chị em……"
       Từ đấy trên những cánh thư hắn gửi sang xứ sở CCCP cho anh, thì tên của hắn được thay thành THÁI HƯ LĨNH.
      Chữ viết của hắn thuộc loại ma chê quỷ hờn. Mấy ông bác sỹ cũng phải ngả mũ bái phục. Bài học trên lớp hắn ghi thế quái nào mà chính hắn cũng không đọc nổi.
        Bẵng đi hơn 30 năm. Vừa rồi nhờ có FB mà biết được hắn. Dạy ở CĐ Xây dựng Sài Gòn. Có 1 vợ 2 con hay là 2 vợ 1 con tôi không nhớ lắm vì nghe qua điện thoại. Nhìn ảnh hắn với đám bạn thực sự tôi không tin vào mắt mình, hắn bự nhất hội.
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

LỆ THẦN TRẦN TRỌNG KIM


   Vừa rồi có thời gian, đọc lại cuốn VIỆT NAM SỬ LƯỢC của học giả Trần Trọng Kim bỗng sửng sốt nhận thấy tiền nhân thật là bậc trí tuệ cao siêu, nhìn xa trông rộng. Lâu nay cứ nghe nói nước ta "rừng vàng biển bạc", dân ta thông minh hiếu học. Nhưng sao ta cứ nghèo túng mãi, kém cỏi mãi so với nhiều nước khác trên thế giới.
   Thì đây, học giả Trần Trọng Kim đã viết cách nay gần 100 năm:
    "Phàm sự tiến hóa của một xã hội phải có cái gì đó nó đun đẩy mình, nó bắt phải cố sức thì mới tiến hóa được. Sự đun đẩy ấy là SỰ CẦN DÙNG và SỰ ĐUA TRANH.
 Nếu không có cần dùng thì không có cố gắng, không cố gắng thì không tiến hóa. Nếu không có đua tranh thì không có tìm kiếm, không tìm kiếm thì không tài giỏi.
     Xem như nước Nam ta, hai cái yếu điểm ấy đều kém cả. Người mình ở xứ nóng, cách ăn mặc giản dị, đơn sơ, không phải lo nghĩ cũng đủ sống, cho nên ai cũng thích nhàn lạc, quí hồ khỏi chết thì thôi, chứ không muốn lao tâm, lao lực như những người ở nước khác. Tính người mình như thế, hễ ai có cái gì, mình chỉ bắt chước được mà thôi, chứ không phát khởi bày đặt  được điều gì nữa.
  Còn như sự đua tranh, phải có nhiều người, nhiều nước thì mới đua tranh được. Nhưng nước ta, phía đông thì có bể, phía tây thì những người Mường, người Lào văn minh kém, còn ở phía bắc có nước Tàu là hơn, nhưng Tàu lại to quá, giao thông với mình cách trở, đường sá khó khăn, chỉ có quan tư thỉnh thoảng đi lại mà thôi, chứ dân trong nước không mấy khi ra đến ngoài bờ cõi. Người mà cả đời không đi đến đâu, mắt không trông thấy cái hay cái dở của người, thì tiến hóa sao được? Mà sự học của mình thì cứ cái gì đã học của Tàu là hay, là tốt: từ tư tưởng cho đến công việc, điều gì cũng lấy Tàu làm gương. Hễ bắt chước được Tàu là giỏi, không bắt chước được là dở. Sùng mộ văn minh Tàu như thế, cho nên không chịu so sánh cái hơn cái kém, không tìm cách phát minh, chỉ đinh ninh rằng người ta hơn mình, mình chỉ bắt chước người ta là đủ.
     Địa thế nước mình như thế, tính chất và sự học vấn của người mình như thế, thì cái trình độ tiến hóa của mình tất là phải chậm chạp và thua kém vậy".
                                                                     (Trang 32, phần 5, chương VI)
     Xem vậy đủ thấy nếu chúng ta cứ ru mãi bài ca "rừng vàng biển bạc", "thông minh hiếu học" thì đến bao giờ nước nhà mới sang hồi hưng thịnh.
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

LỜI KHEN

Có một câu chuyện của Mỹ có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Một cậu học sinh da đen đã vượt qua mặc cảm, phấn đấu vươn lên, học hành tấn tới. Sau này trở thành một Giáo sư tiến sỹ danh tiếng. Trong một lần thăm lại thầy giáo cũ cậu đã nói rằng chỉ nhờ một câu khích lệ của thầy vào đúng lúc cần thiết nhất mà cậu được như ngày hôm nay.
       Câu chuyện làm nổ ra một cuộc tranh luận về việc khi nào nên nói lời khen.
      Có người cho rằng:
     - Lời khen có thể là "cú hích" quan trọng của cuộc đời. Không chỉ nhà giáo mà ai cũng có thể cho một lời khen có giá trị.
        Lại có người băn khoăn: Nếu hào phóng quá mà khen tràn lan thì sẽ ra sao?
        Chẳng hạn: Một xếp nọ xuống cơ sở, muốn tỏ ra sự quan tâm, sâu sát đã đi đến nhiều nơi, hỏi nhiều người. Nhưng người ta thấy hầu như mọi chuyện xếp đều kết luận: "Tốt, tốt…" như là rô-bốt đã lập trình sẵn vậy. Thậm chí hỏi: Các cụ thân sinh khỏe cả chứ. Được trả lời: Đã về với tổ tiên cả. Xếp cũng lại: "Tốt, tốt…" (?)
        Lại cũng có người nêu vấn đề trong đời sống hiện nay có thuật ngữ "Khen đểu".
        Tại sao đã "Khen" lại còn "Đểu".
       Biết thừa rằng chả có gì đáng khen nhưng vẫn cứ khen nức nở. Phải có một động cơ nào đó chứ hơi đâu khen linh tinh vậy. Có lần một anh bạn nói nhỏ với tôi thế này: "Đến nhà xếp thì khen vợ con xếp đẹp đã đành. Đến con chó, con mèo cũng phải đẹp".
        Có lẽ đây cũng là một kiểu "Khen đểu".
      Hay là có người mắc bệnh hay "khen". Cho rằng nói chuyện với người ta mất gì không khen người ta một câu. Nhất là các quý cô, quý bà luôn thích mình trẻ trung và đẹp mãi không già thì tốt nhất chỉ nên khen.
       Hay là có người vô tư, mọi việc chả dại gì mà chê, tự nhiên mua thù, chuốc oán làm gì. Vậy thì cứ khen cho nó lành.
       Chung quy lại là lời khen đúng lúc, đúng chỗ và hợp lý. Đừng khen theo kiểu quán tính của các xếp hoặc khen tràn lan, khen quá lời.
       Lại còn có kiểu: Khen cho mà chết đấy. Hãy cảnh giác.
Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

CÁI ĐÓI SINH VIÊN (2)


Mấy ai đã qua cái thời gian khó của sinh viên khi ấy mà không đói. Dường như vừa ăn xong nếu có ai mời lại có thể ăn tiếp được. Hàng tuần chỉ mong đến Chủ nhật, để mấy đứa gần nhà về mà dôi ra vài suất cơm.
     Còn nhớ cậu của Khoa trong nam ra chơi cho mấy gói mỳ tôm. Khoa bóc  hòa nước sôi cho mấy đứa ăn. Lần đầu tiên biết thế nào là mỳ tôm. Chao ôi sao mà hấp dẫn thế, thơm điếc mũi, gấp 1000 lần cái mỳ tôm Hảo hảo, Tiến vua ngày nay.
       Sau nhà ăn có một loạt bếp than được các bác cấp dưỡng ủ lại để mai đỡ phải nhóm. Buổi tối thường khá nhộn nhịp. Mỗi sinh viên có cái ăng-gô, lấy dây thép buộc vào đầu cái que để thòng vào lò nấu nướng cải thiện, rất tiện. Ở đây vui ra phết, nghe đủ mọi thứ chuyện trên trời, dưới bể.
      Bữa đấy, Tôi, Tương, Khoa, Hải, Hùng mang đèn, cắp chiếu rủ nhau ra bãi bóng ôn thi. Đến quãng 11 giờ đêm, cơn đói cồn cào. Tương bảo: "Tôi có cái bi-đông Trung Quốc, có gạo mang ở nhà lên. Ta đi nấu cháo". Nói là làm. Giờ này bếp vắng, không phải chen nhau.
      Đặt bi-đông lên bếp cả 5 thằng trèo lên nóc bể nước ngồi đợi cháo chín. Lại buôn chuyện tiếp. Bỗng dưng "BÙM…" một tiếng nổ âm, gọn, rất gần. Cả bọn hốt hoảng chạy vào. Thì, Ui chu cha! Lạy Chúa tôi! Xung quanh bếp, cháo siêu nhừ văng tung tóe. Xác cái bi-đông bị xé nát bắn sang một bên như một trái chanh đã bị vắt kiệt nước. Nó xoáy nắp kín quá tạo áp lực gây nổ. Sinh viên Lý kiểu này mà đi thực hành chắc được điểm 0.
       Hú vía! May mà cả 5 đứa không sao chứ không thì sau câu chuyện này, còn phải thêm một câu chuyện nữa ở Viện Bỏng.
       Chuyện đói sinh viên chắc còn phải nhiều kỳ. Hôm nay xin khất mọi người để tiếp kỳ sau
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

17-2-1979


                Ba mươi lăm năm chưa phải đã là dài
                    Người phát thanh viên nghẹn ngào và thổn thức:
                    “Quân Trung Quốc đã dã man xâm lược
                    Giết hại đồng bào ở sáu tỉnh biên cương…”

                    Ba mươi lăm năm chưa phải đã là dài
                    Dù nơi ấy bây giờ đã xanh màu cây cỏ
                    Dù nơi ấy bây giờ đã không còn súng nổ
                    Vết thương lòng chưa dễ đã nguôi ngoai

                     Ba mươi lăm năm chưa phải đã là dài
                     Bóng dáng địch phía biển xa còn đó
                     Ngư phủ hiền lành vẫn hồn oan máu đổ
                     Ai đồng bào không day dứt lương tâm

                    Ba mươi lăm năm chưa phải đã là dài
                    So với Sử hàng ngàn năm giữ nước
                    So với máu xương của cha ông thuở trước
                    Để đến bây giờ thành TỔ QUỐC VIỆT NAM
Đọc tiếp »

MỘT LẦN CHẾT HỤT

Tôi đã có mấy lần bị xô đẩy đến gần cửa tử, lưỡi hái của thần chết chỉ còn cách mình gang tấc. Không rõ nhờ phép màu nào hay có bùa hộ mệnh mà rồi thoát được.
     Năm ấy là năm 1967, ngày 20 tháng Tư âm. Tôi đã 13 tuổi, đến tuổi sai vặt tốt. Nhà tôi đóng cối xay lúa. Khi xưa nhà nào cũng đều phải có một cái cối xay lúa, chứ chưa có máy xay xát như bây giờ.
     Cha tôi cùng với ông chú ngồi đóng cối xay ở sân. Thao tác đóng cối cũng khá phức tạp. Thoạt đầu phải đan một cái vanh tre tròn, sau đó cho đất đã thú nước hơi ẩm vào nện kỹ, cuối cùng lấy dăm gỗ chèn thật chặt.
     Tôi được cha sai đi lấy đất ở ngoài góc vườn cách nhà khoảng dăm chục mét. Đang làm thì một tốp máy bay của Mỹ từ phía biển bay vào. Thời chiến tranh, chuyện ấy rất thường. Bởi vì mỗi ngày có hàng mấy chục lần máy bay như thế mà cứ chui xuống hầm thì làm ăn gì được. Có anh còn bông phèng: hôm nay không có máy bay tự nhiên thấy buồn hẳn. Tốp máy bay lao về phía Quốc lộ 1 bắn phá, tiếng bom nổ ùng oàng, súng cao xạ của bộ đội ta giống tấm lưới giăng lên trời tiếng nổ lụp bụp như rang ngô.
      Bỗng nhiên tôi nghe tiếng rú, rít ghê rợn như trận cuồng phong, rồi một tiếng “ụp” của một vật gì đó rất lớn chui vào lòng đất, sau đó là gió đen mù trời và không còn biết gì nữa. Khi tỉnh dậy thì đang nằm cấp cứu ở trạm xá của xã.
      Sau này nghe kể lại: Tốp máy bay đó nhào lộn một hồi bắn phá thì quay về Hạm đội 7 ở ngoài khơi. Bỗng nhiên một chiếc tách khỏi đoàn chúi xuống ném một loạt bom vào làng tôi rồi chuồn thẳng ra biển. Dân quân các làng được huy động xông vào để cứu nạn. Họ đã nhặt được tôi từ một ruộng khoai môn cách chỗ tôi đang lấy đất khoảng 30 mét. Ruộng khoai môn ấy không có nước, mà chỉ có đất ẩm nên dù bị ném xuống đấy nhưng tôi cũng không bị sây sát gì mà chỉ bị sức ép ngất đi.
      Cha tôi bị một mảnh bom sát thương trúng vào ngực và chết liền không kịp trăng trối. Mẹ tôi đang quét nhà thì căn nhà đổ ụp, may có cái chum chắn ở góc nhà nên thoát chết. Ông nội tôi cũng bị xà nhà chận làm chấn thương phải đi viện. Chị tôi đi cắt cỏ về cũng bị mảnh bom xây xát ở chân. Chỉ duy nhất cô em gái nhút nhát, cứ nghe tiếng máy bay là nhảy xuống hầm, thì không bị sao.
     Trận ấy làng tôi có cái tang chung, 6 người chết, nhiều người bị thương. Có người chết rất thảm thương, thân xác tan nát cả, thu lượm mấy ngày chưa xong.
       Tôi chỉ bị sức ép nên nằm trạm xá 2 hôm sau thì về.
       Nay đã sắp được 47 năm, lắm khi tôi cứ tưởng tượng như nó mới xảy ra gần đây.
Sau này nhà tôi chuyển vào xóm trong cách khoảng nửa cây số và ở hẳn luôn đấy không trở về mảnh đất cũ nữa.

      Dấu vết chiến tranh xưa còn sót lại là một hố bom ở ngay đầu xóm, quanh năm bèo và rác bẩn hôi hám tù đọng. Tôi bàn với mấy gia đình có con đi xa làm ăn được, san lấp và làm một cái sân chung. Tôi sẽ trồng một cây bóng mát và đặt ở đấy một tấm bia ghi như sau: “Nơi đây, ngày 20 tháng Tư năm 1967, máy bay Mỹ đã ném bom giết chết 6 thường dân”. Ý tưởng ấy khi trình lên xã đã gặp sự e ngại rằng làm miếu thờ phức tạp, lôi thôi… Cuối cùng sự trì hoãn dẫn đến vài nhà gần đó lấn chiếm làm nhà.  
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

LIN-GA


           Năm ngoái có dịp đi Sa-pa, lên đến Cổng Trời thấy có cây cột đá thiên nhiên tạo ra hùng vĩ quá. Bức ảnh đẹp nên các chị, các cô tranh nhau xem. Xem xong cứ đỏ mặt và tủm tỉm cười tinh quái.
       Dị nhân bèn có thơ rằng:
                          Hiên ngang luôn ngẩng cao đầu
                    Trời làm ra thế có cầu cạnh ai
                          Sinh tồn từ trước tới nay
                     Ngàn năm sau vẫn thế này mà thôi.
Đọc tiếp »

HỘI ỐNG QUÊ TÔI

Hơn hai chục năm về trước cơn bão hụi, họ đã tràn đến quê tôi (Nga Sơn) hoành hành dữ dội. Hồi ấy nó được mang cái tên khá lạ tai "Hội ống".
      Mỗi hội có khoảng 10-15 người góp tiền cho trưởng hội, chi trả (đổ ống) cho một thành viên bao nhiêu đấy, liên hoan một bữa, rượu bia tẹt ga. Tháng sau lại tập trung hội để lặp lại cái việc như tháng trước. Nhiều hội còn mua quà tặng cho các thành viên. 
      Hấp dẫn quá, thế là người người chơi ống, nhà nhà chơi ống, cả xã, cả huyện rầm rộ khí thế cách mạng tiến công. Chẳng mấy ai thoát. 
       Việc dạy học lúc ấy tôi có cảm giác nó láo nháo như cảnh lớp học ngày áp Tết.
          - Này chú! Mai tương trợ cho anh một tiết, anh đi đổ ống.
          - Ông giúp tôi 2 tiết ngày mai nhé! Cứ ra bài kiểm tra cũng được.
                         ………..
       Và đương nhiên tôi cũng được nhiều người mời tham gia. Tính tôi nhút nhát lại kém cái khoản nhậu nhẹt nên thường lịch sự chối. Thực tình tôi đa nghi thì đúng hơn.
       Một hôm có một anh đồng nghiệp tìm tôi bằng được (lúc ấy chưa có điện thoại). Anh tha thiết khẩn cầu:
         - Chú theo hội của anh đi. Hay lắm! Tỷ lệ chi trả cao, lại quà tặng  rất đậm nhá.
       Trước mặt tôi là một nhà giáo lịch lãm, có uy tín, về chuyên môn có số má đàng hoàng. Anh nói với tôi là nghiêm túc, đứng đắn.
        Tôi tranh luận lại với anh:
         - Em vẫn chưa thể hiểu được là cái đồng tiền ấy nó chui vào đâu mà nó đẻ ghê gớm thế. Anh có giải thích được không?
           Đại ca của tôi vẫn hùng hồn một niềm tin tôn giáo:
         - Tôi với chú chỉ biết dạy học không thể hiểu được cái bí mật ấy đâu. Nhưng sự thật là có chú ạ! Bọn làm ăn kinh tế chúng tính toán siêu đẳng lắm. Nó biết làm cho đồng tiền sinh lời khủng khiếp. Bọn nó hưởng nhiều chứ chúng ta được mấy.
        Phút cuối chẳng đi đến kết quả gì, tôi và anh tạm biệt. Anh lấy làm tiếc vì tôi vẫn là một tên thỏ đế nhát gan và sợ chết, cam tâm để vợ con đói nghèo.
        Tất nhiên không thiếu gì người chơi. Ấy là anh thương tôi đồng lương đạm bạc mà rủ tham gia mong đổi đời, chứ không thì…
        Khoảng đầu năm 1990, những tin không vui về ống áng nơi này, nơi kia bắt đầu. Đến tháng 3 thì nó vỡ như vỡ đê mùa lũ. Tất cả các hội ống đều bị sập. Nhiều thảm cảnh đã diễn ra: bắt đài, bắt xe, đòi nợ… chẳng còn ra cái thể thống gì.
         Tôi không hiểu sao những chuyện như vậy vẫn cứ còn đến bây giờ, đài báo thỉnh thoảng vẫn đưa tin.
         Có lẽ cái THAM là thuộc tính cố hữu của loài người chăng?
Đọc tiếp »

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

CHỮA BỆNH BẰNG TÂM LINH

Chữa bệnh bằng tâm linh chẳng phải bây giờ mới có. Từ những buổi hồng hoang của loài người đã có những truyền thuyết về cách chữa bệnh kiểu này.
     Năm 1965, ở ngay sát nhà tôi có một ông cũng tự nhiên nổi danh như cồn về khả năng chữa bách bệnh. Ông có biết một ít chữ nho nên khắp trong nhà ngoài ngõ dán la liệt chữ Hán phóng to và các hình bùa chú rất kỳ quái. Vóc dáng của ông ta cũng lạ: da đỏ hồng như da gà chọi, râu và tóc bạc như cước, mắt sắc và sáng, giọng vang trầm, có sức cuốn hút. Nhưng nghe ông nói thì mới biết ông có những dấu hiệu của người bị chứng tâm thần. Ông bảo trong họng ông có ngọc do Chúa Trời ban cho, nên khác xa so với người bình thường.
       Để lan tỏa thông tin, bà vợ ông đã tích cực đi khắp các vùng trong huyện rỉ tai và tìm các đệ tử. Về khoản này phải công nhận vợ ông cực giỏi. Từ đầu năm đã thấy loáng thoáng khách các nơi đến cầu lễ và xin thuốc. Người có tư duy bình thường khó mà tin nổi thuốc của ông ta lại giản đơn đến như vậy. Ông ngắt một cái lá trong vườn, thổi hơi vào đấy (có ngọc mà). Sau đó dùng một sợi rơm gói lại, đưa bệnh nhân mang về sắc uống.
      Khoảng mùa hè năm ấy làng tôi, một làng quê nghèo xơ xác bỗng nhộn nhịp khác thường như có lễ hội. Hàng trăm người từ khắp các nơi hỏi thăm đến nhà ông để xin thuốc. Người ở trong nhà ông đông chật đến nỗi phải tràn cả ra ngoài đường. Lúc bấy giờ tôi độ chục tuổi đầu, nên tò mò cứ chui rào sang xem. Phải nói dân ta cả tin thật, thuốc thang chỉ có vậy mà bu quanh vòng trong, vòng ngoài. Thầy thổi hơi ngọc đến mỏi mồm, phải nhờ thêm mấy đệ tử gói thuốc xúm.
       Điều đặc biệt, làng tôi không có một ai nhờ ông chữa bệnh cả, kể cả con cháu của ông. Có lẽ “Bụt chùa nhà không thiêng” chăng?. Ai cũng bảo ông ấy thần kinh vậy chữa cái gì.
      Vậy mà cả thiên hạ đổ xô vào chẳng khác nào chuyện Trạng Quỳnh ngày xưa. Không biết có bệnh nhân nào chết oan sau cái vụ ấy không.
       Trước tình trạng lộn xộn như vậy, khoảng tuần sau thì xã cử một đội dân quân mang súng đến gác ngay đầu làng và giải thích để bà con đừng bị mê hoặc nữa. Không rõ do có dân quân kiềm chế hay do thuốc kém công hiệu mà thời gian sau thì người đến thưa dần và hết hẳn.     
       Gần đây, tôi có cô em bị ốm. Thay vì phải vào bệnh viện điều trị thì cô ấy lại tìm đến một bà lang chữa bằng Năng lượng sinh học ở Vĩnh Phúc. Bà lang có phương pháp chữa bệnh theo cách truyền năng lượng sang người bệnh. Điều kiện là bệnh nhân phải có niềm tin thì đường truyền năng lượng mới thông. Vậy là ai khỏi bệnh là do tin thày mà nhận được năng lượng. Ai không khỏi là tại mình, thày vô can.
      Tôi đã điện thoại hỏi thăm thì được biết sau 4 ngày điều trị, bệnh không những không thuyên giảm mà có nguy cơ gia tăng. Gia đình đã quyết định cho nhập viện.

       Nay thì cô ấy đã xuất viện, không phải do năng lượng của thày mà do thực hiện một ca phẫu thuật.  
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

RUNG CHÀ CHO CÁ NHẢY

     Về quê gặp một cô giáo vốn là đồng nghiệp cũ, nay là cán bộ quản lý một trường cấp 2 của xã. Hỏi thăm tình hình gia đình công việc làm ăn vân vân. Cô bảo em bây giờ chỉ là phụ trách trường thôi. Tôi ngạc nhiên: Sao nghe nói em lên Hiệu trưởng từ năm ngoái sau khi chị Thường về hưu cơ mà.
       Cô phân bua: Chưa đâu anh. Em làm Hiệu phó hơn chục năm nay ở trường. Khi chị Thường nghỉ em chỉ được giữ Quyền Hiệu trưởng thôi. Quyền này của em hơi bị lâu đấy, mà có khi đến lúc về hưu. Vẫn còn đang "Rung chà cho cá nhảy" mà anh.
        Nói đến đây cô cười chua chát. 
        Vậy là tự nhiên câu chuyện lại lòng vòng đến các sự phức tạp khác.
       Cô cho biết: Nguyên việc dự kiến cho chân Hiệu trưởng ở trường này đã có đến 3-4 ứng viên. Người thì có danh, có tiếng, người thì nghe tên lạ hoắc. Trên cũng từng về cho bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm từ lâu lắm rồi. Anh em ở trường phần nhiều người địa phương, họ cũng tốt và chân thật.
       Năm trước ở trường xã bên cũng lằng nhằng mãi hàng năm trời. Có người lo chạy chọt, tìm đủ mẹo, có cả những mẹo tiểu nhân để được lên chức. Sau không được thì phát ốm, bây giờ lại sinh ra tiêu cực, bất mãn, phát ngôn lung tung.
         Tôi lựa lời an ủi cô: Dù quyền hay không thì cô vẫn cứ nắm quyền ở cái trường ấy cơ mà.
        - Không đâu anh ạ! Cũng phức tạp lắm, người họ không thích mình thì dèm pha, biết có ở đấy không mà làm. Rồi bắn tin sẽ đi trường nọ, trường kia. Rồi không được phụ cấp trách nhiệm…
        Tôi trêu cô: Thế em có chạy không? Cả làng, cả nước chạy mình cũng phải chạy chứ?
      - Anh ơi! Em không thích mấy cái trò quan hệ, xin xỏ. Chính vì cứ "lửng lơ con cá vàng" nên mới ra nông nỗi ấy.
       Từng dạy với cô, lại cùng tổ chuyên môn tôi hiểu tính cô, lo việc chuyên môn là chính. Có những việc cô làm không nhằm để phô trương bề nổi. Cô có tín nhiệm trong dân, trong học sinh. Trường không phải đã đạt các danh hiệu này kia nhưng cũng chả kém gì so với các trường cùng khu vực
       Tôi hỏi cô thế ai làm Hiệu phó. Cô bảo em kiêm luôn vì trên bảo đang còn làm quy trình, phải từng bước một. Nhờ có một giáo viên là Thư ký hội đồng cũng tháo vát đỡ bớt việc cho chứ không thì chả biết xoay kiểu gì.
       Trước khi chia tay tôi chúc cô sớm "cắt được cu" (Q. Hiệu trưởng) để có cơ sở pháp lý mà làm việc với trên, với dưới.
Đọc tiếp »

TỘI HỦ HÓA

Hồi xưa, thời phong kiến, tội hủ hóa (trai gái không cưới hỏi ngủ với nhau) bị xử rất hà khắc, cạo trọc đầu bôi vôi, làng bắt vạ...
     Cách nay vài ba chục năm về trước vẫn còn định kiến khá nặng nề. Hủ hóa mà bị bắt quả tang là ghê lắm, tội tày đình. Bây giờ nhiều lúc nghĩ lại thấy nó ấu trĩ.
     Cái năm dạy ở cấp 3 Thạch Thành, vào một đêm cuối thu trăng sáng vằng vặc, đang ngủ say nghe anh Tiến, dạy môn Sinh sang gõ cửa khe khẽ gọi: “Mau, mau. Dậy đi bắt trộm”. Loàng quàng xỏ chân vào dép, cầm một cái gậy chạy theo. Ra khu lớp học, bên trong tối mò mò, chỉ nghe có tiếng lục cục. Anh Tiến bất ngờ bấm đèn pin hô to: “Đứng yên! Chạy là chết”. Chúng tôi xông vào. Thằng con trai đã vọt cửa sổ chạy biến ra ngoài. Còn mỗi đứa con gái tô hô. Khổ thân con bé cứ khóc van như bổ củi. Các bà, các chị bắt đầu nhiếc móc: “Đẹp mặt nhỉ. Thật là đồ đĩ. Không biết con cái nhà ai…”. Thế là lập biên bản, giao cho công an xã sở tại. Chả rõ sau cái vụ ấy, con bé có sống được ở làng nữa hay không.
       Khoảng năm 1986, nơi trường cấp 2 tôi dạy có một cô làm Thư viện, chồng lái xe bắc nam, đi đâu gái đấy. Đã thế về còn hành hung vợ. Không chịu nổi cô đâm đơn ra tòa xin li hôn. Tuy tuổi đã ngoài 30 nhưng trông cô còn giòn giã, sắc nét lắm. Bỗng hôm ấy cô vắng mặt ở trường không lý do. Ba ngày, một tuần, rồi hai tuần…Trở lại trường cô nói là đi chữa bệnh. Các nguồn tin khác cho biết cô đã có bồ bao cho ở đâu đó. À, thì ra người này đã mấy lần đến trường nói là người nhà của cô. Nhà trường rồi Công đoàn tổ chức họp kiểm điểm. Cô hứa rất ngon lành. Nhưng mấy tháng sau chuyện cũ lại tái phát.
     Ông Hiệu trưởng rất bực. Các biên bản hội nghị, các lời hứa của cô hóa ra là trò đùa hay sao. Chuyện nhây nhưa cả năm, kết cục là năm sau cô ta có một đứa con. Có lẽ nhà trường cũng đã báo cáo lên cấp trên.
       Một hôm, tôi và ông Hiệu trưởng có việc gì đó lên Phòng Giáo dục, nhân tiện hỏi về việc xử lý tội hủ hóa của cô.
       Trưởng phòng đã ngót 60 tuổi, tóc bạc trắng thong thả mời nước chúng tôi rồi ôn tồn:
        -  Theo các thày nên như thế nào?
Ông Hiệu trưởng không kìm được búc xúc:
      -  Trường tôi bị cắt thi đua cũng vì cô này. Đề nghị Phòng phải xử thật nặng làm gương cho kẻ khác, ví dụ như buộc thôi việc chẳng hạn….
 Trưởng phòng cứ chăm chú nghe, cuối cùng cười và bảo:
     -  Các thày nên nghĩ cho kỹ, xử lý cho khéo, kẻo khổ người ta. Gia cảnh mà êm ấm chả ai muốn vậy. Nếu anh em có những ý kiến này kia thì lãnh đạo cũng phải biết giải thích để cho họ thấu hiểu.
         Hôm ấy tôi được một bài học về ứng xử nhân văn với đồng loại.  
        Nhưng có một chuyện hủ hóa mà tôi không thể nào thông cảm được.
        Bà ấy là người xã tôi, đã có chồng đang ở bộ đội. Những năm chiến tranh, bộ đội thường xa nhà hàng năm trời, thậm chí dăm bảy năm là chuyện thường. Bà có một đứa con trai thì chồng vào bộ đội, vài năm sau thêm đứa nữa, lại thêm đứa nữa… Dân làng rì rầm đồn rinh khắp xó chuyện con ai, con ai. Bà mặc xác, hơi đâu mà đi thanh minh, thanh nga. Của bà chứ của ai mà cấm. Vậy là một lũ con lít nhít ra đời nhưng chả rõ bố nào. Ông chồng thoạt đầu về cũng ngán ngẩm, làm căng, định thôi. Nhưng sau, ông bình tâm nghĩ lại và cho qua. Chắc ông cho rằng cũng vì chiến tranh mới nảy ra cái bi kịch ấy.
       Dân làng ít người thông được như ông. Ai cũng bảo ông hiền quá, nhu nhược quá. Ông còn thương bà vì bà đẹp lộng lẫy, dẻo mồm, lưng ong, mắt dao cau, lại khéo chiều chuộng. Có người đã nói diễu cợt: “Cá vào giỏ ta là của ta”.
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

BÀN NHAU LÀM ĐƯỜNG


       Xóm nhỏ có vài chục nóc nhà bàn nhau làm một con đường bê tông cho đỡ lầy lội. Tính toán sơ bộ mỗi nhà đóng 2 triệu. Khi họp bàn có 1 ông dứt khoát không làm, không nộp tiền. Không phải vì nghèo, không phải vì cái gì, mà chỉ vì ngông.
      Một người bàn: "Rào nhà ông đó lại"
     - Không được. Làm thế là phạm pháp, ai cho phép.
       Người khác bàn: "Cứ làm đến cổng nhà ông ta chừa lại đó"
       - Không được. Chả lẽ trời mưa đi đến đấy lại xắn quần lội à! Thế thì thà đừng làm còn hơn.
        Người khác nữa lại bàn: "Cứ làm. Thôi thì mỗi nhà thêm trăm bạc có đáng gì".
        - Không! Tôi không chịu được cái nước bỏ tiền, bỏ sức ra đi hầu đứa khác.
Mỗi người mỗi ý. Cuộc họp không tìm được tiếng nói chung nên giải tán. Đường không làm được và đến bây giờ vẫn chưa làm được.

       Tôi thì nghĩ như thế này các bác ạ:
       "Thôi thì ta cứ góp mỗi nhà 2 triệu. Đường trước đây ta định làm rộng 2 mét, nay ta chỉ làm 1,9 mét.
          Nhà ông đó sẽ sống trong sự khinh bỉ, nhạo báng của xóm láng giềng và liệu có sống mãi như vậy được không? Biết đâu các bác bắt tay vào làm thì ông ta nghĩ lại…
        Vả lại các bác làm để phục vụ cho 19 nhà chứ đâu phải chỉ có mình nhà ông ta"
        Nếu các bác nghĩ rộng ra vậy thì có lẽ con đường đã xong từ năm ngoái, năm kia.
Đọc tiếp »